Giải mã hiện tượng Phúc Long: Chuỗi đồ uống nổi tiếng ở Sài Gòn khiến ông lớn Starbucks cũng phải thèm thuồng

Thứ sáu, 24/06/2016, 14:32
Sự tăng trưởng của Phúc Long chỉ là 1 trong số rất nhiều minh họa cho sự lên ngôi của các chuỗi cà phê nội địa, nơi chốn được người Việt chọn lựa thay vì đến những cửa hàng cà phê sang chảnh thương hiệu nước ngoài như Starbucks hay Coffee Bean & Tea Leaf.

Sáng thứ 7, tại quán cà phê Phúc Long ở Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, người ra kẻ vào tấp nập. Anh Huy, một khách hàng "ruột" của Phúc Long, vừa đọc báo vừa nhâm nhi ly cà phê sữa đá. Anh rất thích thương hiệu này vì giá cả hợp lý, gần nhà, nhất là rất "đậm" vị và không thấy "mùi hóa chất".

Xuất hiện từ năm 1957 tại Bảo Lộc - Lâm Đồng, Phúc Long nổi tiếng với truyền thống kinh doanh trà và tiếp đó cà phê. Tuy nhiên, nếu như cách đây vài năm, các cửa hàng của Phúc Long chỉ đơn thuần là nơi bán và giới thiệu sản phẩm thì gần đây, thương hiệu này dường như đã thay đổi chiến lược kinh doanh với hàng loạt các cửa hàng xuất hiện ở vị trí đắc địa của TP.HCM.

Sự xuất hiện của chuỗi cà phê Phúc Long hiện diện không lâu sau khi Starbucks đặt dấu chân đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam vào năm 2013, rõ ràng là để đối đầu trực tiếp với "gã khổng lồ" Mỹ.

Hiện nay, tại Quận 1, Phúc Long có 8 cửa hàng như Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Văn Cừ. Các cửa hàng khác ở Quận 3, Quận 7, Quận 5, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình.... Tháng 7 tới, thương hiệu này sẽ mở thêm cửa hàng thứ 16 tại Aeon Mall Bình Tân.

15 cửa hàng hiện tại của Phúc Long đều nằm ở những vị trí "như mơ". Một nửa trong số đó tọa lạc tại các tuyến đường lớn của Quận 1, quận trung tâm nhất của Thành phố. Ở các quận "kém" trung tâm hơn như Tân Bình thì Phúc Long cũng nằm ngay tại vòng xoay Lăng Cha Cả, điểm giao thông luôn tấp nập người qua lại.

Phúc Long tỏ ra không mấy kém cạnh với chuỗi cà phê danh tiếng thế giới Starbucks. Nếu như một cửa hàng của Starbucks được đặt trên đường Lý Tự Trọng (Quận 1) thì cửa hàng của Phúc Long được mở cách đó không xa.

Màu xanh và trắng trên logo của Phúc Long khá giống với Starbucks. Thiết kế nội thất hiện đại. Nhưng giá bán thì hấp dẫn hơn nhiều với thực đơn phong phú từ trà, cà phê đến nước ép hoa quả, sinh tố, đồ ăn sáng...

Theo chia sẻ của một nhân viên của Phúc Long với PV, thương hiệu này có 2 loại cửa hàng. Một theo hướng Take away express, hướng tới đối tượng khách hàng bình dân hơn với giá 1 ly cà phê sữa đá loại trung 30 ngàn đồng, cà phê sữa nóng 28 ngàn, sinh tố tổng hợp 35 ngàn, trà đào sữa loại trung 30 ngàn.

Loại cửa hàng thứ 2 là Take away house với đối tượng khách hàng "sang chảnh hơn". Loại này hiện Phúc Long có 3 cửa hàng, đó là tại trung tâm thương mại Cresent quận 7, Vivo City quận 7, Aeon Mall Bình Dương. Tại các địa điểm này, giá cao hơn so với Take away express. Chẳng hạn, cafe sữa đá loại trung ở đây là 40 ngàn, trà đào sữa loại trung 42 ngàn.

Nhân viên của Phúc Long cho hay, loại thứ 2 cao cấp hơn, không gian đẹp, rộng rãi, dịch vụ tốt nên giá cao hơn.

Điều quan trọng nhất, khách đến Phúc Long rất tấp nập, từ người đi làm, khách du lịch cho đến học sinh, sinh viên.

Để có được những vị trí đắc địa tại trung tâm Quận 1 hay những địa điểm tấp nập người qua lại khác, Phúc Long phải đầu tư rất lớn , đặc biệt là chi phí mặt bằng. Đầu tư mặt bằng tương đương Starbucks nhưng giá bán thậm chí không bằng 1/2, thương hiệu này làm thế nào để sống sót và trụ vững?

Một nhân viên cấp cao của Phúc Long chia sẻ với PV, Phúc Long rất đông khách nên dù giá mặt bằng cao cũng không phải là vấn đề gì lớn. Khách của các cửa hàng thường là giới trẻ, văn phòng. Họ không "ngồi đồng" mà ra vào liên tục. Nhờ đó, thương hiệu có thể dễ dàng cân đối được tài chính mà không cần quá lo lắng về chi phí mặt bằng.

Bên cạnh đó, sự chủ động về nguồn nguyên liệu do Phúc Long sở hữu sẵn hệ thống trang trại, nhà máy, nơi pha chế, cửa hàng nên chi phí sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội lên.

Sự tăng trưởng của Phúc Long không phải là cá biệt. Có rất nhiều minh họa cho sự lên ngôi của các chuỗi cà phê nội địa, nơi chốn được người Việt chọn lựa thay vì đến những cửa hàng cà phê sang chảnh thương hiệu nước ngoài như Starbucks hay Coffee Bean & Tea Leaf.

Theo Trí thức trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích