Theo Cục Quản lý cạnh tranh, có một số trường hợp người mua hàng qua mạng nhưng thấy chất lượng hàng không đảm bảo hoặc hàng hóa được giao không đảm bảo chất lượng, không đúng như cam kết. Điển hình như trong việc người tiêu dùng có tên Nguyễn Th. L. đã mua phải bảo hiểm xe máy chỉ cách ngày hết hạn 1 tuần qua trang web Hotdeal.vn. Người tiêu dùng đã liên hệ với Hotdeal để phản ánh nhưng không được hỗ trợ từ công ty. Chỉ đến khi cơ quan quản lý vào cuộc yêu cầu làm việc, Hotdeal mới thu lại bảo hiểm xe máy cũ và đổi bảo hiểm xe máy mới cho người tiêu dùng.
Một trường hợp khác khiếu nại về Cục Quản lý cạnh tranh. Đó là anh Phạm X. V khiếu nại về việc mua sản phẩm lược nhuộm tóc Tengya của Công ty TNHH Thương mại Family Shopping qua điện thoại.
Ảnh minh họa |
Theo đó, khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng yêu cầu công ty chứng minh nguồn gốc của sản phẩm, tuy nhiên khi nhận được sản phẩm, người tiêu dùng nhận thấy không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc cũng như xuất xứ trên nhãn sản phẩm.
Sau đó, người tiêu dùng yêu cầu trả lại hàng nhưng không được công ty chấp nhận. Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh đã liên hệ và thông báo với công ty về vụ việc, đồng thời đưa ra các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về việc thực hiện hợp đồng giao kết từ xa. Công ty đã buộc phải nhận lại hàng và trả lại tiền cho người tiêu dùng, vì vi phạm các điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, đáng chú ý có vụ người tiêu dùng Trần T.T.D khiếu nại về việc rút tiền bằng thẻ của Ngân hàng SHB tại máy ATM của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Giao dịch không thành công nhưng tài khoản của người tiêu dùng vẫn bị trừ 2 triệu đồng.
Người tiêu dùng đã khiếu nại đến ngân hàng SHB, nhưng vụ việc kéo dài 2 tháng mà không được giải quyết. Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc và Ngân hàng SHB đã thể hiện thiện chí bằng cách hỗ trợ người tiêu dùng số tiền đã bị trừ khỏi tài khoản.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, đã nhận được một số đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, theo đó, người tiêu dùng ký hợp đồng vay tiêu dùng với các công ty tài chính để mua các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng…
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn (từ 3 đến 6 tháng), người tiêu dùng không còn khả năng trả nợ do lãi suất quá cao, và gặp thái độ cư xử không đúng mực từ phía các công ty tài chính.
Với những trường hợp tương tự, để được tư vấn và hỗ trợ về bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng có thể liên hệ với Sở Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương mình sinh sống hoặc liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh để yêu cầu hỗ trợ.
Theo Dân Việt