Thưa ông, mới đây Tổng cục Thuế đã có thông báo cho các bên liên quan để đòi lại khoản thuế 3.600 tỷ của BigC. Đây là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Theo tôi, về mặt nguyên tắc, BigC là một doanh nghiệp đã chuyển nhượng và hiện việc chuyển nhượng đó gần như đã xong hết nên đây cũng là vấn đề lớn đối với việc tính thuế cũng như thu thuế đối với chủ cũ của BigC. Về phía cơ quan thuế có trách nhiệm đôn đốc BigC nói riêng và các doanh nghiệp nói chung phải nộp thuế đúng hạn theo các nguyên tắc mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra đối với từng loại thuế, từng mức thuế.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan thuế đã có những thiếu sót trong việc tính thuế và đôn đốc các khoản thuế của một số doanh nghiệp, dẫn tới bị chậm nộp hoặc trốn thuế như trường hợp của BigC hiện nay. Đúng ra, cơ quan thuế phải có trách nhiệm, trước khi mua bán cần tính toán một cách đầy đủ các khoản thuế trước khi đồng ý cho các bên chuyển nhượng. Còn hiện tại, nếu đã chuyển nhượng xong rồi mà tính đúng, tính đủ là còn khoản thuế 3.600 tỷ thì cần phải thúc đòi theo các quy định của pháp luật.
Có rất nhiều tình huống đang được tính đến. Giả sử ông chủ mới của BigC là người Thái Lan vẫn chưa chuyển hết tiền cho ông chủ cũ người Pháp theo ông phải chăng việc đòi khoản thuế này sẽ thuận tiện hơn?
Đúng là sẽ thuận tiện hơn vì ông chủ mới (Tập đoàn Central Group Thái Lan), sẽ còn hiện diện tại Việt Nam và tiếp tục kinh doanh. Do đó, cơ quan thuế phải làm việc với chủ mới của BigC xem đơn vị này đã chuyển hết tiền cho chủ cũ là Tập đoàn Casino (Pháp) chưa. Theo dự đoán của tôi, một thương vụ lớn thường chuyển tiền làm nhiều đợt.
Trường hợp chưa chuyển hết tiền thì cơ quan thuế có thể đề nghị chủ mới giữ lại một khoản tiền để yêu cầu chủ cũ nộp đủ khoản thuế còn nợ. Trường hợp nếu chủ mới đã chuyển hết tiền cho chủ cũ nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng có điều khoản kế thừa thì vẫn có thể yêu cầu Tập đoàn Central Group (Thái Lan), đòi khoản thuế này nộp đúng, nộp đủ cho cơ quan thuế của Việt Nam.
Ông có nói tới khả năng nếu có điều khoản kế thừa trong hợp đồng, cụ thể nếu có thì sẽ thực hiện thế nào?
Về nguyên tắc, trong hợp đồng chuyển nhượng dứt khoát phải có điều kiện chủ thể cũ đang nợ BigC thì chủ thể mới được quyền thu hoặc chủ thể cũ của BigC có nợ ai và liên quan tới pháp lý thì chủ thể mới phải đứng ra gánh phần trách nhiệm thay cho chủ cũ của BigC.
Tức là nếu trong hợp đồng có điều khoản kế thừa các khoản thu, các khoản chi thì chủ thể mới là Tập đoàn Central Group (Thái Lan), phải đứng ra trả khoản nợ thuế mà cơ quan thuế của nhà nước Việt Nam đã tính toán cho BigC. Nếu trong hợp đồng không có điều đó, về mặt nguyên tắc pháp lý, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu nước chủ quản của chủ thể cũ BigC để nhờ cơ quan thuế của nước chủ quản là Pháp thu hộ.
Giả sử trường hợp BigC đã mua bán và chuyển tiền xong hết rồi, người bán cũng đã ra khỏi Việt Nam rồi thì liệu có đòi được khoản thuế chuyển nhượng hay không và bằng giải pháp nào thưa ông?
Nếu Việt Nam có ký hiệp định hợp tác với chủ cũ của BigC là Tập đoàn Casino (Pháp) thì hoàn toàn có thể nhờ cơ quan thuế của Pháp thu hộ. Tôi được biết giữa Việt Nam với Pháp có quan hệ ngoại giao rất tốt, có ký kết Hiệp định hợp tác về thuế. Cơ quan thuế ở Pháp cũng rất lớn và họ có cả lực lượng cảnh sát thuế nên họ sẽ rất dễ dàng thực hiện nghĩa vụ đòi hộ khoản thuế cho cơ quan thuế của Việt Nam.
Thậm chí, có nhiều nước họ còn xử phạt những doanh nghiệp như Tập đoàn Casino (Pháp) khi chậm nộp thuế hoặc trốn thuế vì còn ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia.
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu BigC không nộp thuế có thể kiện ra tòa án quốc tế hoặc nhờ tới interpol, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước mắt, tôi cho rằng, đối với các quốc gia có ký Hiệp định hợp tác thuế với Việt Nam như nước Pháp, cơ quan chủ quản của chủ cũ BigC là Tập đoàn Casino (Pháp) thì chúng ta hoàn toàn có thể nhờ hỗ trợ đòi hộ khoản thuế đó nhanh chóng hơn. Tất nhiên, trường hợp đã nhờ mà Pháp không đòi hộ được thì chúng ta mới tính tới phương án thông qua tòa án quốc tế hay thông qua Interpol để yêu cầu doanh nghiệp đang trốn thuế, nợ thuế phải trả khoản nợ thuế đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định, nếu nhờ Interpol thì phải chứng minh được đó là trốn thuế, nợ thuế tức là một loại hình tội phạm. Còn phương án phải kiện ra tòa án quốc tế thì phải xem lại lúc đầu điều khoản ký kết hợp đồng với Tập đoàn Casino (Pháp) có điều khoản khi xảy ra tranh chấp sẽ giải quyết ở tòa án quốc tế nào.
Thường thì khi ra tòa án quốc tế phải chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, phải thuê phiên dịch, thuê luật sư…sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Do đó, theo quan điểm của tôi, đứng ở góc độ quan hệ Việt Nam và Pháp đang rất tốt đẹp như hiện nay cần giải quyết êm đẹp nhất mà vẫn đạt được hiệu quả thu được khoản thuế mà họ trốn hoặc chậm chưa đóng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dân Việt