Ngư dân mệt mỏi nhờ Tòa mới được bồi thường

Thứ ba, 21/06/2016, 09:40
Để nhận được số tiền bảo hiểm đúng như quy định nhưng các ngư dân mệt mỏi chờ đợi, thậm chí phải nhờ đến tòa án mới đòi được tiền bảo hiểm cho tàu cá của mình.
Con tàu QNa - 91269 TS của ngư dân Phạm Cương bị cháy hồi tháng 6/2014, phải đến 2 năm sau mới nhận được tiền bảo hiểm.

Ngư dân Phạm Cương (trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, sau khi TAND Quảng Nam xử phúc thẩm, đầu tháng 2/2016 gia đình ông đã nhận được hơn 2,3 tỷ đồng tiền bảo hiểm của Cty CP Bảo Minh. Tuy nhiên, sự việc kéo dài khiến ông và gia đình mệt mỏi.

Trước đó, tàu cá QNa - 91269 TS của ông Cương bị cháy vào ngày 28/6/2014. Chủ tàu đã thông báo cho Cty CP Bảo Minh và làm các thủ tục, giấy tờ liên quan đến con tàu và bảo hiểm tàu cá yêu cầu trả tiền bảo hiểm.

4 tháng sau, ông Cương nhận được thông báo của Cty CP Bảo Minh về việc từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do khi có sự cố, trên tàu không có thuyền viên trực tàu. Cực chẳng đã, ông làm đơn nhờ tới phán xét của TAND TP.Tam Kỳ.

Ngày 13/8/2015, TAND TP.Tam Kỳ tuyên Cty Bảo Minh phải trả tiền bảo hiểm cho gia đình ông Cương 2.355.594.000 đồng. Phía Cty CP Bảo Minh kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét với lý do người trực trên tàu lúc xảy ra sự cố không phải thuyền viên tàu cá, không có tên trong danh sách thuyền viên trực tàu.

Ngày 23/12/2015, TAND Quảng Nam xử phúc thẩm, và giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc Cty Bảo Minh phải thực hiện trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho ngư dân.

Cũng như trường hợp của ngư dân Phạm Cương, ngư dân Phạm Việt (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) tỏ ra mệt mỏi sau cả năm ròng đi đòi tiền bảo hiểm.

Con tàu mang biển hiệu QNa - 91694 TS bị cháy ngày 9/7/2015 nhưng sau khi ông nộp giấy tờ, thủ tục hồ sơ yêu cầu nhận tiền bảo hiểm thì bất ngờ khi phía Cty Bảo Minh từ chối. Phải đến 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP.Tam Kỳ và TAND Quảng Nam, ông Việt mới đòi được quyền lợi chính đáng của mình.

“Ngư dân chúng tôi chỉ biết bám biển mưu sinh, mất con tàu coi như mất hết nên mới đóng bảo hiểm phòng rủi ro. Ai ngờ đến khi xảy ra sự cố lại bị công ty bảo hiểm làm khó như vậy” - ông Cương nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn