Số lượng chủ tàu cá mua bảo hiểm đông đảo nhưng số tàu cá bị chìm không nhiều, số tàu cá được nhận bảo hiểm càng hy hữu. |
Chìm tàu tiền tỷ, bảo hiểm 0 đồng
Ngày 17/12/2015, tàu KH 96292-TS do ông Huỳnh Phi Hùng (ở Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa) ra khơi đánh bắt cá ở biển Ninh Thuận và Bình Thuận. Nghề cá cuối năm nhiều rủi ro nhưng ông cố nốt chuyến cuối để anh em ngư dân có tiền đón Tết Bính Thân 2016.
Tàu ra khơi hơn tuần, đài báo gió biển giật cấp 6, cấp 7; qua ICOM, ông Hùng đã quyết định cho thuyền trưởng Nguyễn Văn Sắc đưa tàu quay về. Hai giờ sáng ngày 27/12/2015, sóng to, phủ qua tàu, nước tràn trên mặt boong. Tàu bị sóng đánh vỡ, nước tràn vào nhiều, thuyền viên làm mọi cách để chống chìm tàu, gọi tàu cá gần đó hỗ trợ nhưng không kịp. Ngư dân hò nhau nhảy ào xuống biển, được tàu cá khác pha đèn tìm kiếm, vớt lên trong đêm, gia sản tiền tỷ chìm xuống biển.
Cách đây 5 năm (ngày 2/1/2011), tàu cá của ông Hùng cũng bị chìm ở khu vực đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Tài sản lớn bị mất trắng vì con tàu không có bảo hiểm. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứa con đầu của ông Hùng phải bỏ học giữa chừng.
Nhưng nghiệp biển không thể bỏ, gia đình ông Hùng cầm cố tài sản, nhà cửa, vay mượn để mua tàu KH 96292-TS. Rút kinh nghiệm lần trước, con tàu này được mua bảo hiểm của Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt để đề phòng bất trắc. “Tàu lại bị chìm, tôi như người điên dại, vợ tôi đổ bệnh. Như người sắp chết trôi vớ được cọc, tôi gọi điện cho Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt để thông báo về sự cố, làm thủ tục để con tàu được nhận được bảo hiểm” - ông Hùng kể.
Nhưng rốt cuộc, nhân viên bảo hiểm thông báo: Trong chuyến tàu gặp nạn của ông Hùng, thuyền trưởng có bằng, nhưng máy trưởng không có bằng; theo các điều khoản hợp đồng, không được đền bù. Ông Hùng kêu cứu các ban ngành liên quan. Sau đó, bên bảo hiểm liên tục làm việc với ông Hùng và thông báo: Trong các quy định của Bảo Việt, một vài trường hợp không có bằng máy trưởng vẫn được bảo hiểm một phần.
Khấp khởi hy vọng, cuối tháng 3 vừa qua, ông Hùng ngao ngán khi nhận được công văn của Cty Bảo Việt Khánh Hòa chính thức từ chối bảo hiểm. Trong văn bản này, Cty Bảo Việt tại Khánh Hoà cho rằng, loại tàu cá của ông không thuộc diện được bảo hiểm bất cứ ở mức độ nào nếu không có bằng máy trưởng. Ông Hùng cũng không được hỗ trợ một khoản mang tính nhân đạo nào của công ty bảo hiểm.
Không tìm được sự hỗ trợ của công ty bảo hiểm, ông Hùng cầu cứu sự giúp đỡ của tổ chức nghề nghiệp. Ông Lê Kế Thương, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho biết, đã nhận được đơn đề nghị và đưa ông Hùng vào diện hỗ trợ nhưng chưa có nguồn chi. Theo ông Thương, Khánh Hòa có hàng nghìn tàu cá đánh bắt xa bờ, hầu hết mua bảo hiểm; trường hợp bị chìm tàu vài năm mới có; việc tàu cá được bảo hiểm lại càng hiếm hoi.
Giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn kêu cứu của ngư dân Huỳnh Phi Hùng và công văn từ chối bảo hiểm của Bảo Việt. |
Lắt léo thông tin, “đòi” ngư dân như thủy thủ
Trao đổi với PV, bà Mai Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Truyền thông thương hiệu Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt khẳng định: Các quy định, điều khoản để Bảo hiểm Bảo Việt làm cơ sở không chi trả cho ông Hùng đã được nêu tóm tắt trong giấy chứng nhận bảo hiểm và công khai tại các điểm giao dịch và trên internet.
Tuy nhiên, ông Hùng nói, khi mua bảo hiểm, ông không được nhân viên bán bảo hiểm thông báo về việc tàu chỉ được bảo hiểm khi có bằng máy trưởng. Ông Hùng không biết sử dụng internet để tìm hiểu thông tin bảo hiểm nhưng rành về sửa máy tàu.
“Đã là thuyền trưởng đều biết về máy móc, có thể sửa chữa khi gặp sự cố nhỏ; gặp sự cố lớn, phải thay phụ tùng, chúng tôi gọi vào đất liền ứng cứu. Tôi chưa thấy ông máy trưởng nào học mấy tháng về sửa tàu thành thạo, máy trưởng làm gì cũng do thuyền trưởng chỉ dẫn. Với tàu cá, bắt buộc có bằng máy trưởng chẳng qua là cách công ty bảo hiểm gây khó mà thôi” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đáng ra, khi thấy gia đình ông không có người có bằng máy trưởng, không đủ điều kiện bảo hiểm, Bảo Việt không nên bán bảo hiểm. Đằng này cứ bán lấy được và không hướng dẫn, khiến gia đình ông rơi vào cảnh trắng tay. “Không có mấy tàu cá ở Khánh Hòa có bằng máy trưởng nhưng họ cứ bán bảo hiểm. Khi tàu chìm, chìa quy định ra, ngư dân nợ nần chỉ có nước nhảy xuống biển” - ông Hùng nói.
Hợp đồng bảo hiểm tàu cá trị giá 30 triệu đồng, đền bù 2,5 tỷ đồng/vụ nhưng ông Hùng cho biết, quá trình mua bảo hiểm không được ký bất cứ giấy tờ gì, kể cả hợp đồng. Văn bản duy nhất ông nắm trong tay là giấy chứng nhận bảo hiểm, chỉ có ký nhận của bảo hiểm Khánh Hòa.
Khó hiểu là, cùng hệ thống của Bảo Việt, nhiều chi nhánh các tỉnh có ký hợp đồng với người mua. Luật sư Trương Thanh Đức, Cty Luật Basico cho hay, về nguyên tắc, giấy chứng nhận bảo hiểm có thể thay thế hợp đồng; nhưng cũng không loại trừ khả năng do không ký tá với nhau, tiền mua bảo hiểm không được báo cáo lên trên.
Hiện, ông Huỳnh Phi Hùng đã thu thập hàng chục chữ ký của ngư dân, xác nhận lái tàu cá của họ không có bằng máy trưởng nhưng vẫn được Bảo Việt bán bảo hiểm tàu cá. Ông Lê Kế Thương cũng đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm nới lỏng điều kiện, chi trả bảo hiểm cho trường hợp không có bằng máy trưởng như ông Huỳnh Phi Hùng.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản quy định: Ngân sách hỗ trợ hằng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu. Hỗ trợ hằng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. |
Theo Tiền Phong