Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa công bố Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý.
Theo đó, tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng.
Cụ thể, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cần được kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế, lập và phê duyệt dự án, tổ chức thi công, nghiệm thu... theo đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; xác định đúng tổng mức đầu tư và minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.
Bộ GTVT được yêu cầu phải công khai thông tin dự án để các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân giám sát |
Bộ GTVT tiếp tục rà soát các dự án BOT đã và đang thực hiện để có điều chỉnh kịp thời; công khai thông tin dự án để các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân giám sát.
Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra theo quy định về thủ tục đầu tư, khối lượng, chất lượng xây dựng, thực hiện thu phí..., kiến nghị xử lý khắc phục nếu có sai phạm.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
“Bộ Tài chính hướng dẫn và quyết toán các hợp đồng BOT, quản lý doanh thu bảo đảm chặt chẽ, tránh thất thu thuế; hướng dẫn việc giải ngân phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án tham gia đầu tư vào dự án, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc góp vốn theo đúng quy định”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính phải kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn quản lý về giá phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP khi Luật Giá có hiệu lực..
Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ, nghiên cứu giải pháp để huy động và quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư hạ tầng; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thẩm định chặt chẽ các dự án BOT trước khi cho vay và có giải pháp quản lý hiệu quả nguồn vốn cho vay.
UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ tác động của các dự án BOT đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trước khi thống nhất chủ trương đầu tư và lập trạm thu phí; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các nhà đầu tư trong thực hiện giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án.
“Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; sớm thực hiện thu phí tự động không dừng, bảo đảm minh bạch số liệu thu phí, giảm ùn tắc giao thông”, Thông báo của VPCP cho hay.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục rà soát chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, gắn với đề án tái cấu trúc ngành, hướng tới phát triển hài hòa các phương thức vận tải. Chủ trì xây dựng, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP trong tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa); định hướng lập các trạm thu phí, khắc phục các hạn chế như thời gian qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, trong đó đẩy mạnh thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Dân Trí