Các ngân hàng trung ương châu Á cấp tốc “tung phao” đối phó với Brexit
Thứ sáu, 24/06/2016, 13:21
Các Ngân hàng Trung ương tại châu Á đã cam kết sẽ có các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ thanh khoản trên thị trường tài chính, Bloomberg đưa tin.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết ngân hàng trung ương của 6 nước phát triển đã chuẩn bị sẵn sàng các dòng hợp đồng hoán đổi tiền tệ để kích thích thanh khoản.
Các dòng hợp đồng này được Ngân hàng Trung ương các nước Nhật Bản, Mỹ, khu vực dùng đồng euro, Anh, Thụy Sỹ và Canada thiết lập từ thời khủng hoảng toàn cầu, và được duy trì vĩnh viễn kể từ năm 2013.
Hàn Quốc, Ấn Độ và Đan Mạch là những nước đã phát tín hiệu can thiệp để bình ổn giá trị đồng nội tệ.
Các chuyên gia dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng có thể sẽ có biện pháp, bằng cách can thiệp để nâng giá nhân dân tệ, hoặc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.
Westpac Banking dự đoán Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ hạ lãi suất ngay trong tháng Sáu này, thay vì chờ đến tháng Tám như kế hoạch ban đầu.
Giới chuyên gia dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng cường nới lỏng tiền tệ trong cuộc họp chính sách sắp tới. Việc đồng yen tăng giá gấp nếp trong phiên giao dịch ngày 24/6 sẽ củng cố khả năng này.
Yen tăng 4,7% lên 101,36JPY/USD, sau khi vượt mức 100USD lần đầu tiên kể từ năm 2013. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1998.
Cho đến thời điểm hiện tại, 382 điểm bỏ phiếu tại Anh đã công bố kết quả gần hết. 99% số phiếu đã được kiểm. Chênh lệch giữa số phiếu chọn ra đi và chọn ở lại lên đến hơn 1 triệu, nghiêng về phe ra đi. Khả năng Anh rời Liên minh châu Âu là rất cao.