BSR luôn kêu khó cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
Cụ thể, trong báo cáo tổng hợp của PVN, nửa đầu năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của BSR đạt 35.200 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch 6 tháng, bằng 43% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của riêng Công ty mẹ BSR đạt được còn lên tới 995 tỷ đồng, vượt 24% so với kế hoạch cho cả năm 2016 của Công ty này.
Cũng theo nguồn tin trên, lợi nhuận của BSR đạt cao do có sự chênh lệch đáng kể giữa giá sản phẩm xăng và dầu thô từ đầu năm. Trong 2 tháng đầu năm, giá dầu thô chỉ ở mức 32 USD/thùng đã liên tục tăng lên mức 46 USD/thùng vào tháng 5/2016 và 50 USD/thùng vào tháng 6/2016.
Với các sản phẩm xăng dầu, sau khi giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 2/2016, đã tăng trở lại, hiện ở mức trên 50 USD thùng (với xăng RON 92).
Trong khi đó, như Dân trí đã nêu trong nhiều bản tin trước đây, BSR và PVN đã liên tục có những văn bản kêu khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy LDDQ. Cụ thể, mấy tháng đầu năm nay, PVN và ban lãnh đạo BSR cho biết, do mức chênh lệch thuế nhập khẩu với xăng dầu Dung Quất so với nguồn nhập khẩu có xuất xứ C/O form D, AK (Asean, Hàn Quốc), nên nhiều khách hàng giảm, không mua dài hạn các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy LDDQ.
Với mặt hàng xăng, mức chênh lệch thuế nhập khẩu là 10% theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ xăng, khiến các sản phẩm xăng do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất bị tồn kho cao.
Ngoài ra, từ đầu tháng 4, biệc Bộ Tài chính áp dụng cách tính mới về thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với dầu diessel là 2,32%, với xăng là 18,35% cũng được cho là gây khó khăn hơn cho LDDQ khi chính sách này sẽ khiến khách hàng ưu tiên nhập khẩu từ các thị trường ASEAN, Hàn Quốc – là những nơi có mức thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn để hưởng lợi thế chênh lệch giữa giá đầu vào và giá bán.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Nhà máy LDDQ vận hành rất ổn định, liên tục đạt công suất trung bình 103 - 105% với công suất thiết kế. Tính đến hết tháng 6/2016, BSR đã sản xuất trên 3,4 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 117% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 58% kế hoạch năm; tiêu thụ trên 3,328 triệu tấn sản phẩm, đạt 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 57% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước ước tính 6.141 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên có chuyện BSR kêu cứ kêu, lãi vẫn lãi. Năm 2015, Công ty này cũng đã nhiều lần kêu khó khăn, xin chính sách hỗ trợ nhưng hết năm này, lợi nhuận hợp nhất của BSR vẫn đạt 5.690 tỷ đồng, vượt tới 52% kế hoạch. Riêng Công ty mẹ - BSR, lợi nhuận sau thuế cũng không có biến động nhiều với 5.860 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ - BSR là 20,6%.
Trên thực tế, BSR đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi: Mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cho công ty này là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác.