Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương. |
Đuối sức chiến đấu
Như PV đưa tin, qua kiểm điểm, thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm về các hạn chế, khuyết điểm khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Riêng cá nhân ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhận khuyết điểm không chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ trước khi tiếp nhận ông Thanh. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cũng thấy thiếu trách nhiệm trong việc tham gia góp ý kiến về việc thẩm định hồ sơ cán bộ và quá trình công tác trước khi tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh.
Trao đổi với PV về các hình thức kiểm điểm trên, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương đánh giá, việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm ở Hậu Giang như vậy là không thỏa đáng. Theo ông Hùng, nếu nghiêm khắc, các đồng chí có liên quan phải nhận một hình thức kỷ luật. “Nếu chỉ như vậy thì sức chiến đấu của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là đuối”, ông Hùng đánh giá.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, riêng ông Bí thư và cựu Bí thư phải có hình thức kỷ luật. Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, thời điểm đó là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là người trực tiếp ký văn bản cấp biển xanh cho chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh, phải nhận hình thức kỷ luật.
Còn cá nhân ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phải nhận hình thức kỷ luật nặng hơn. Ngoài ra, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang cũng nên nhận lấy một hình thức kỷ luật.
“Ban Thường vụ không phải chỉ chờ đặt cơm lên bàn, rồi chọn món nào ngon thì ăn, mà khi chuẩn bị dọn cơm, Ban Thường vụ cũng phải biết”, ông Hùng ví von.
Tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ
Ông Vũ Quốc Hùng nhắc lại, nguyên tắc cơ bản của tổ chức sinh hoạt đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tức là mọi việc phải được bàn bạc rồi mới đi đến quyết định, mà quyết định ấy thể hiện trí tuệ cao của tổ chức đảng.
“Vậy mà khi làm việc lại chỉ có ông bí thư biết thôi là thế nào? Rồi ông bí thư lại nói nếu như tôi nói thì họ cũng chẳng biết gì về anh này (Trịnh Xuân Thanh - PV) nên họ chắc cũng “gật” thôi. Như vậy, chẳng khác nào là sinh hoạt của một câu lạc bộ. Đừng bao giờ biến tổ chức đảng thành sinh hoạt của một câu lạc bộ; đừng biến tập thể thành một hội đồng chung chung; cũng đừng biến sự lãnh đạo của đảng như một sự độc quyền, chuyên quyền cá nhân. Cho nên phải nghiêm khắc, người đứng đầu phải có trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc này. Qua đó để rút ra được bài học ứng dụng khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của đảng cho đúng”, ông Hùng nêu quan điểm.
Qua vụ việc ở Hậu Giang cho thấy nguyên tắc tập trung dân chủ “có vấn đề”. Theo ông Hùng, ở những nhiệm kỳ gần đây, nguyên tắc ấy đã được cụ thể hóa bằng hướng dẫn thực hiện điều lệ Đảng, do Ban chấp hành Trung ương đầu khóa quyết định, chứ không phải Ban Bí thư hay Ban Tổ chức Trung ương như ngày xưa.
Chiều 4/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi tiếp xúc với gần 300 cử tri là cán bộ hưu trí, chủ chốt của thành phố Cần Thơ để thông tin về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14. Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu vấn đề điều động ông Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công Thương về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Cử tri cho rằng, thẩm quyền quyết định không phải do địa phương mà chủ yếu là các cơ quan ở Trung ương như: Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức, Ủy ban kiểm tra Trung ương tuy nhiên, không thấy đề cập trách nhiệm các cơ quan này. Vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trách nhiệm thuộc về Ban Tổ chức Trung ương do ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện Trung ương luân chuyển. |
Theo Tiền Phong