Trung tâm hành chính Đà Nẵng: Thiết kế tòa nhà từng bị phản đối

Thứ bảy, 13/08/2016, 09:40
Xung quanh thông tin TP.Đà Nẵng bàn tính di dời Trung tâm hành chính Đà Nẵng về vị trí mới, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng (một trong số 2 người từng phản đối thiết kế tòa nhà từ đầu) cho rằng công năng tòa nhà này không phù hợp với trung tâm hành chính.
Tòa nhà hành chính Đà Nẵng.

Công năng không phù hợp

Ông Hoàng Quang Huy cho biết, khi nghe thông tin về việc Đà Nẵng di dời tòa nhà không hề bất ngờ vì ngay từ đầu, việc thi tuyển và chọn thiết kế ông và kiến trúc sư khác trong Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố (nay đã giải thể) là người bỏ phiếu không đồng tình với thiết kế này.

“Cuộc thi thiết kế tòa nhà có hơn 10 mẫu thiết kế trong nước và quốc tế được chọn. Tuy nhiên, sau đó, mẫu thiết kế hiện tại được chọn dù rằng ý kiến của tôi và đồng nghiệp phản đối nhưng đã không được lắng nghe. Thành phố vẫn quyết định chọn thiết kế ngọn hải đăng để xây dựng”, ông Huy nói. Theo đánh giá của ông Huy, mẫu thiết kế này áp dụng cho tòa nhà hành chính không phù hợp.

“Sau khi xây dựng đến nay tôi chưa thấy ai khen công trình này có kiến trúc đẹp. Lúc duyệt phương án họ chỉ chọn hình thức kiến trúc. Việc chọn phương án kiến trúc kiểu Hàn Quốc và giao cho Hàn Quốc làm nên công năng kém và không phù hợp. Thành phố chọn, theo thiết kế cứ thế họ làm nhưng không tính toán và không hiểu được việc sẽ nhồi nhét hàng chục cơ quan với mấy nghìn người vào trong đó sẽ khó khăn và bất hợp lý thế nào”.

Một thực tế được ông Huy chỉ rõ, công năng không phù hợp nên việc người dân tiếp cận sở ban ngành cũng rất phức tạp dù rằng đã có đội ngũ chuyên viên hướng dẫn ở tầng 1. Tuy nhiên, người dân đâu phải ai cũng nhạy bén và có đủ trình độ, thậm chí có người dân không biết bấm thang máy để đi, thì việc nâng cao khả năng phục vụ người dân sẽ phản tác dụng. Ngay cả bản thân ông, khi có việc cần vào tòa nhà làm việc cũng thấy chóng mặt.

“Việc chọn phương án từ đầu do vội vàng nên dẫn đến sai sót. Ở các nước hiện đại họ cũng có trung tâm hành chính kiểu kiến trúc như Đà Nẵng. Nhưng ở họ đặc thù làm việc, thời gian làm việc, hạ tầng và các điều kiện khác cũng khác xa chúng ta nhiều.  Không thể đem kiến trúc của họ áp đặt  vào mình, từ đầu chúng tôi đã phản đối là vì thế”, ông Huy nói.

KTS Hoàng Quang Huy - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng.

Ông Huy cho rằng khó nói được việc lãng phí hay quy trách nhiệm ở đây, vì lúc chọn là do cả hội đồng. Vì công năng không phù hợp không đảm bảo, ảnh hưởng sức khỏe thì cần di dời vì hàng nghìn con người làm việc trong đó lâu dài, chưa kể đến bất cập trong thiết kế lúc có sự cố, hỏa hoạn hay cháy nổ thì thoát hiểm cũng là một vấn đề. Không nên cố khắc phục theo kiểu chắp vá.

Cầu Thuận Phước chỉ để làm cảnh!

Không chỉ tòa nhà hành chính nghìn tỷ vừa hoạt động đã tính đến chuyện phải di dời, theo ông Huy trên địa bàn Đà Nẵng còn có các công trình khác xây dựng lên rồi nhưng rất lãng phí, điển hình như cầu Thuận Phước, nhà biểu diễn đa năng, khu triển lãm, hội chợ…Riêng cầu Thuận Phước, ông Huy cho rằng đây là một điển hình của sự lãng phí. Cây cầu được đầu tư rất lớn nhưng không  theo ý định như ban đầu, mật độ xe qua lại thưa thớt, trong khi xe tải bị cấm, các loại xe khác qua lại lo bị sập do thiết kế xây dựng. Đến nay cây cầu này chỉ để…làm cảnh.

Cũng theo ông Huy, sắp tới công trình hầm chui sông Hàn 4.000 tỷ đồng mà thành phố đang dự tính khởi công cuối năm nay rất đáng lo ngại. Việc xây hầm để giảm ùn tắc giao thông là không cần thiết, trong khi thành phố đã có rất nhiều cây cầu qua sông Hàn. Nếu cần thì nên làm cầu nổi, có thể tiết kiệm hơn trong việc xây dựng, duy tu bảo dưỡng và quản lý sau này. Nếu đúng quy hoạch thì trước không làm cầu Thuận Phước mà phải làm hầm chui ở vị trí đó, để xe siêu trường, siêu trọng qua cảng Tiên Sa rồi lưu thông bằng đường Nguyễn Tất Thành.

Ông Huy cũng cho rằng, những sai sót là do trong  giai đoạn đó Đà Nẵng phát triển rất nóng, cả thành phố như một đại công trường nên nhiều chỗ không kiểm soát được. Trước đây, Hội đồng quy hoạch kiến trúc của thành phố tham vấn cho thành phố trong mỗi dự án, nhưng nay hội đồng này đã bị giải thể và giao hết cho Sở Xây dựng quyết. Trên thực tế đã có nhiều công trình làm sai.

Chưa nghe phản ánh thiếu ôxy

Trao đổi với báo chí, GĐ Sở KH-CN Đà Nẵng, ông Thái Bá Cảnh cho biết, trong năm 2016 chưa nhận được phản ánh trung tâm hành chính thiếu ôxy. Trước đây một số phòng ban có đề cập tình trạng này, TP sau đó đã giao Sở kiểm tra và đã khắc phục rồi. Theo ông, HĐND Đà Nẵng vừa thảo luận vấn đề này, nhưng TP chỉ nói là đang nghiên cứu, xem xét vị trí khác có lợi hơn không chứ không nói chuyện tòa nhà thiếu dưỡng khí. Làm việc ở tầng 22 của tòa nhà, ông Cảnh khẳng định rằng môi trường làm việc vẫn bình thường.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn