Quảng Nam: “Không có chứng cứ chứng minh có bảo kê vụ phá rừng pơmu”

Thứ sáu, 26/08/2016, 08:40
“Đến giờ này không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh các cơ quan chức năng trên địa bàn có hành vi bao che, bảo kê cho các đối tượng phá rừng pơmu”. Đó là khẳng định của Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – trong buổi họp báo chiều ngày 25/8 về vụ phá rừng pơmu gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Huỳnh Sông Thu – Phó Giám đốc Công an Quảng Nam – tóm tắt vụ án: Qua tin báo của quần chúng nhân dân về việc một số đối tượng khai thác trái phép rừng tự nhiên pơmu tại tiểu khu 351 (xã La Dêê, huyện Nam Giang), Công an huyện Nam Giang phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung (thuộc Chi cục kiểm lâm Quảng Nam) kiểm tra tại khu vực biên giới Việt – Lào gần Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang phát hiện, thu giữ 297 phách gỗ pơmu có khối lượng 31,043m3.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi (đứng) – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – trao đổi với các phóng viên tại buổi họp báo

Do tính chất phức tạp của vụ việc vì trong khu vực biên giới, ngày 25/7, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã quyết định rút vụ án về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, xác lập chuyên án đấu tranh và giao ông Phạm Sông Thu – Phó Giám đốc phụ trách lực lượng CSĐT, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT làm trưởng ban chuyên án để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, đấu tranh làm rõ vụ án.

Quá trình điều tra, ngày 28/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường và xác định có tất cả 60 cây gỗ pơmu bị chặt hạ với khối lượng 115,412m3 gỗ nhóm IIA, trong đó có 41 gốc cây pơmu bị chặt hạ tại khoảnh 5,8 tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ với tổng khối lượng 75,602m3; còn lại 19 gốc thuộc lãnh thổ Lào.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng công an đã có đầy đủ chứng cứ về thân nhân, lai lịch, hành vi vi phạm của các đối tượng, củng cố hồ sơ và ra lệnh bắt các đối tượng.

Theo đó, ngày 26/7 bắt đối tượng Nguyễn Văn Thắng (SN 1978, trú xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) tại xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Thắng là nhóm trưởng trực tiếp chặt hạ gỗ tại xã La Đê

Đông đảo phóng viên theo dõi buổi họp báo.

Ngày 28/7, bắt đối tượng Nguyễn Văn Sanh (SN 1982, trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Bình là nhóm trưởng trực tiếp vận chuyển gỗ. Ngày 2/8, bắt đối tượng Lê Trọng Dương (SN 1968, trú xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình); Dương bị bắt tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, là nhóm phó chặt hạ gỗ. Đối tượng này bỏ trốn từ Quảng Bình vào Đồng Nai.

Ngày 4/8, bắt đối tượng Nguyễn Văn Quang (SN 1982, trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Quang bị bắt tại bến phà An Phú (quận 12, TP.HCM), là đối tượng tổ chức thuê nhóm khai thác và nhóm vận chuyển gỗ. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Quang bỏ trốn sang Lào và từ Lào về Việt Nam rồi trốn vào TP.HCM thì bị bắt.

Ngày 19/8, bắt đối tượng Tiêu Hồng Tứ (SN 1967, trú phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tứ bị bắt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là đối tượng cung cấp tiền để Nguyễn Văn Quang tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ.

Theo Công an Quảng Nam, qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT đã làm rõ đường dây, tổ chức khai thác gỗ trái phép và đã khởi tố, ra quyết định tạm giữ 9 bị can để điều tra.

Lực lượng chức năng đi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng pơmu

Ngoài ra, các đối tượng Phạm Văn Bồng (SN 1990), Mai Văn Châu (SN 1990), Mai Văn Cường (SN 1986) và Lê Hồng Diêu (SN 1992, tất cả đều trú xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) trong nhóm khai thác gỗ đã ra đầu thú và khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình. Hiện đã khởi tố bị can, ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng này.

Riêng nhóm vận chuyển đã bắt được 1 đối tượng, còn 11 đối tượng đang bỏ trốn gồm Nguyễn Văn Ngự (SN 1980), Nguyễn Văn Tùng (SN 1989), Nguyễn Văn Tiến (SN 1982), Nguyễn Văn Phường (SN 1984), Cao Văn Hới (SN 1992), Hoàng Văn Luận (SN 1978), Nguyễn Văn Thu (SN 1990), Hoàng Văn Sử (SN 1981), Nguyễn Văn Danh (SN 1989), Nguyễn Văn Long (SN 1989) và Nguyễn Văn Dũng (SN 1986, tất cả cùng trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy bắt.

Như vậy, đến ngày 25/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố tất cả 9 bị can trong vụ án.

Tại buổi họp báo, các phóng viên cũng đặt câu hỏi về 4 cán bộ của Hải quan, Bộ đội Biên phòng đã bị đình chỉ công tác có vai trò như thế nào trong vụ án? Trả lời câu hỏi này, Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam – cho hay, việc đình chỉ do cơ quan chủ quản xem xét hành vi của các cán bộ này khi thực thi nhiệm vụ. Việc này Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam không rõ.

Theo ông Lợi, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi báo chí đưa tin thì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam tập trung chỉ đạo điều tra, lãm rõ vụ phá rừng này. Bộ Công an và UBND tỉnh giao Công an tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm điều tra. Bộ Quốc phòng giao cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện điều tra; do đó các cán bộ bị đình chỉ và đến nay như thế nào thì Công an tỉnh Quảng Nam không rõ.

“Đây mới chỉ là kết quả ban đầu, và đây là vụ việc có tổ chức. Trách nhiệm của Cơ quan điều tra là làm rõ về mặt quản lý nhà nước, quản lý địa bàn có liên quan gì đến việc này hay không? Tất cả những việc này phải tập trung điều tra để làm rõ. Cho đến giờ phút này, không có tài liệu chứng cứ để chứng minh là các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn có hành vi bao che, bảo kê hay có tham gia tổ chức”, Đại tá Nguyễn Viết Lợi khẳng định.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi cũng cho biết thêm, mục tiêu của Công an là phải làm rõ các “nghi ngờ” này. Tuy nhiên, đây chỉ là báo cáo kết quả ban đầu, công an đang tiếp tục điều tra và khi nào vụ án kết thúc sẽ cung cấp đầy đủ cho các cơ quan thông tin.

“Hiện còn 11 đối tượng vận chuyển gỗ từ trong bãi ra ngoài đang bỏ trốn, qua các cơ quan truyền thông, Công an tỉnh Quảng Nam vận động ra đầu thú để hưởng khoang hồng của pháp luật”, Đại tá Nguyễn Viết Lợi nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn