Chủ trương khoán xe công theo phân tích của các chuyên gia là thiếu hợp lý! |
Chỉ giảm chi phí, không giải quyết được "vấn nạn" xe công
Trả lời PV, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Tôi ủng hộ chủ trương này nhưng vẫn còn thấy rất thiếu hợp lý. Nếu vị thứ trưởng chỉ đi làm việc từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà, có nên cấp riêng hay không? Vậy thời gian cả ngày, vị Thứ trưởng ngồi làm việc ở văn phòng, chúng ta phải trả lương cho lái xe và chiếc xe đó mà không tính đến hiệu quả sử dụng".
Bà Lan nói rõ: "Cơ chế tính hiện nay chưa ổn, tại sao lấy km ra đo để trả phí đi lại, tại sao áp dụng chính sách lại khu biệt đến chi tiết như thế để khó quản lý. Tôi biết Bộ Tài chính muốn rạch ròi song không thể tính km được. Nếu sau này, các vị ở xa chuyển về gần, chúng ta lại thay đổi chính sách, lại ra văn bản, công bố gây khó quản lý".
Nói sâu về cách tính của Bộ Tài chính khi khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) x số km khoán (km) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.
Theo quan điểm của bà Lan, cơ chế khoán tiền/tháng theo km là chưa phù hợp và nảy sinh bất cập, khiến quản lý chồng chéo, khó kiểm soát. Bà Lan nói:"Tại sao không khoán theo chức vụ, bậc ngạch và tiêu chuẩn để đỡ phải đi tính từng km đường đi và về của cán bộ. Ai quản lý cái này, liệu có công khai hay không. Nếu cán bộ ở càng xa, thì chi phí đi xe càng nhiều thì chẳng ai muốn ở gần. Hãy khoán theo tiêu chuẩn, để cán bộ biết dè xẻn số tiền đó mà liệu cơm, gắp mắm".
"Ví dụ như khoán cho Thứ trưởng 10 triệu đồng tiền xe/ tháng, xa hay gần thì tôi không biết, ở gần thì động viên đi bộ, vài ba km đi phương tiện công cộng đi làm. Nếu chia từng km, ở các tỉnh thì sao, chúng ta lại đưa ra văn bản, lại đi quản lý số nhà, địa chỉ của từng cán bộ", bà Lan gợi ý.
Về cách tính của Bộ Tài chính, bà Lan cho rằng, chỉ giảm được tiền xe chứ chưa thấy rõ vấn đề xe công hiện nay là quá nhiều và chi quá lớn. Một năm chi ngân sách đến 320 triệu đồng/chiếc, mỗi tháng 26 triệu đồng. "Chúng ta phải có cách nào để họ dè xẻn, sử dụng ô tô với cơ chế thị trường chứ giải quyết như Bộ Tài chính, nếu tính ra chỉ giảm được tiền xe của Thứ trưởng từ nhà đến cơ quan mà thôi", bà Lan đặt vấn đề.
Xe công của bộ, ngành phải biết "bơi" theo cơ chế thị trường
Chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần đi làm việc ở các nước với các lãnh đạo cấp cao, khi tháp tùng cùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sang Nhật Bản, đoàn chúng tôi là chuyên gia và có các Bộ trưởng cũng chỉ được đi xe mà Chính phủ Nhật Bản thuê lại của các công ty chuyên cho thuê xe chở khách VIP.
Hoạt động của các công ty này là: Chính phủ tổ chức đấu thầu, các DN đủ điều kiện tham gia và được chọn. Nếu có đợt đón lãnh đạo, cơ quan văn phòng lại làm hợp đồng với các DN, DN giao xe hoạt động. Tại Nhật, theo tôi biết, Chính phủ chỉ duy trì một lượng rất ít xe công vụ cho Thủ tướng, Bộ trưởng, Hoàng gia Nhật và Chính phủ hoạt động mà thôi".
Do đó, bà Lan cho rằng, Việt Nam hơn 40.000 chiếc xe công là quá nhiều.
Theo bà Phạm Chi Lan, hiện rất nhiều DN nước ngoài làm việc tại Việt Nam, họ không có xe riêng của công ty, các lãnh đạo đều có xe cá nhân và tự trả tiền xăng bằng lương. Khi công ty có việc cần, họ sẽ yêu cầu văn phòng hợp đồng với các hãng xe để thuê dịch vụ. Tính hiệu quả rất cao, vì vậy rất nhiều người dân, DN đang có xu hướng mua xe 4 chỗ, 7 chỗ hay 16 chỗ để chỉ cho thuê, chở khách VIP. Vì vậy, "nhìn thấy xe các Bộ, ngành biển xanh nhưng có xe cả tuần, thậm chí cả tháng chỉ nằm 1 chỗ, lái xe vẫn phải trả tiền thì rất đau xót", bà Lan chia sẻ.
Cũng chia sẻ vấn đề này với PV, TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: "Tôi đồng ý với chủ trương của Bộ Tài chính, nhưng cách làm cần phù hợp và trước mắt tôi cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ việc các cán bộ có thực hiện đúng hay không hay kẽ hở ở đây là gì".
"Tôi thấy Newzealand và Phần Lan, Bộ trưởng của họ đều phải đi xe riêng đi làm. Thậm chí có bộ ngành ở Phần Lan đến trụ sở còn phải thuê 1 tòa nhà của tư nhân để làm trụ sở. Đây không phải họ không có tiền mà là cách họ đưa cơ quan Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, có hạch toán, có công khai, điều đó rất tốt. Đề xuất khoán phí đi xe đã được các nước áp dụng từ lâu rồi, theo tôi việc Bộ Tài chính đưa ra không phải là mới và cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn", TS Hồ nói.
Ông Hồ nêu hàng chục năm trước đã bàn đến khoán xe nhưng không thực hiện được và thời gian qua được biết Quốc hội cũng có nhiều sáng kiến song không ai làm cả.
"Thời ông Trần Phương còn làm Phó Thủ tướng, việc khoán xe công cho cán bộ đã được đề xuất nhưng gặp sự phản đối của nhiều người, có người nói là do yếu quá không tự lái xe, đi xe được. Phó Thủ tướng liền nói rằng, nếu yếu quá thì xin nghỉ đi! Nói như vậy để thấy, áp dụng chính sách này để nhân rộng phải thực sự khoa học, cần nghiên cứu để phổ quát hóa", ông Hồ nói.
Trả lời PV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói, ông rất vui lòng thực hiện quy định mà ngành mới đặt ra về chế độ khoán kinh phí đi xe công từ 1/10. Một Tổng cục trưởng một Tổng cục lớn thuộc Bộ Tài chính cũng cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ và chấp hành quyết định của Bộ trưởng về khoán kinh phí đi xe công.
"Mặc dù có thể sắp tới có một số bất tiện nhất định nhưng tôi cũng thu xếp được. Có thể tôi sẽ đi xe Uber hoặc Taxi đi làm", ông này cho biết. Về một số ý kiến cho rằng khoảng cách tính từ nhà các Thứ trưởng đến cơ quan mà Bộ Tài chính xác định là không hợp lý, ví dụ từ khu đô thị Ciputra đến Bộ Tài chính là 15km (được áp mức khoán 15.000 đ/km trên 2 chiều đi với 22 ngày/tháng, tương đương mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng cho 3 vị Thứ trưởng), một cán bộ của Bộ Tài chính cho biết, khoảng cách đó là hoàn toàn chính xác, theo đồng hồ đo.
Theo Dân Trí