Bất bình việc bổ nhiệm người thân, cán bộ yếu kém

Thứ năm, 22/09/2016, 10:32
“Công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ là người trong gia đình, người thân nhưng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, thiếu kinh nghiệm thực tế; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước”…

Ngày 21.9, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho biết như vậy khi đọc thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cử tri, dư luận bức xúc

Ông Trịnh Xuân Thanh (trái) dù trong điều hành doanh nghiệp để thua lỗ lớn nhưng vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm làm phó chủ tịch một tỉnh.

Theo bà Lê Thị Nga, hệ thống văn bản luật pháp về phòng chống tham nhũng (PCTN) tuy đã hoàn thiện hơn nhưng vẫn còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo và chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa loại bỏ được cơ chế “xin – cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức cán bộ…

Bà Lê Thị Nga cũng đánh giá thêm: Quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao; việc không chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý (các chức danh này sẽ thực hiện theo quy định về luân chuyển) đã làm hạn chế hiệu quả của biện pháp này.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước. “Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ. Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.

Chậm chuyển sang điều tra

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết thêm, qua kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra. Qua công tác thanh tra đã ban hành 94.512 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 11 tỷ 929 triệu đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 53 vụ/77 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.

Đáng lưu ý thời hạn chuyển hồ sơ các vụ, việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra còn chậm, có những vụ sau hơn một năm kể từ khi phát hiện mới chuyển sang, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, đặc biệt là việc thu thập chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng… Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để PCTN còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, trong nhiều năm nay, Báo cáo của Chính phủ không xác định cụ thể số tài sản tham nhũng, không tách biệt giữa tài sản do hành vi tham nhũng gây ra với tài sản do hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ông Nguyễn Mai Bộ - đại diện Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề nghị, về biện pháp ngăn chặn tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản, Bộ Công an ngay sau khi khởi tố bị can thì cần phải áp dụng ngay các biện pháp kê biên tài sản với đối tượng tham nhũng. “Do hiện nay chúng ta chưa triệt để áp dụng quy định này nên nhiều đối tượng tham nhũng sau khi bị khởi tố đã kịp tẩu tán hết tài sản” - ông Bộ nói.

Về Nghị quyết 01/2013 của TANDTC, trong đó quy định các bị can bị truy tố tội tham nhũng sẽ được xem xét mức án nếu có nhân thân tốt, đặc biệt có các loại bằng khen, ông Bộ tỏ ra không đồng tình vì những quy định này làm lợi rất nhiều cho kẻ tham nhũng. “Thường thì các bị cáo tham nhũng từ nhiều năm trước, sau đó bị phát hiện và khởi tố. Khi xét xử lại được áp dụng tình tiết có nhân thân tốt để giảm án là vô lý vì thân nhân tốt thì họ đã không tham nhũng. Rồi lại lấy các loại khen thưởng để giảm án cho họ. Tôi cho đó là những khen thưởng bị trao nhầm” - ông Bộ khẳng định.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn