Liên quan đến ý tưởng đưa xe buýt 2 tầng vào hoạt động tại Hà Nội, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhận định đây một ý tưởng thông minh và nhiều nước đã áp dụng.
Tuy vậy, ông Thủy cho rằng trong bối cảnh của Việt Nam, việc đưa xe buýt 2 tầng vào sử dụng có nhiều mặt tích cực nhưng cũng không ít hạn chế.
"Chúng ta sử dụng xe buýt 2 tầng sẽ tận dụng không gian đô thị. Điều này rất là quý trong bối cảnh bức tranh đô thị chật hẹp và thường trực nỗi lo tắc đường", ông Thủy nêu quan điểm.
Xe buýt ở Hà Nội chưa đáp ứng được kỳ vọng về vận chuyển hành khách. Ảnh:Lê Hiếu. |
“Nếu có 120 khách, chúng ta cần phải sử dụng 2 xe buýt một tầng. Cũng chừng ấy khách nhưng chỉ cần 1 chuyến xe buýt 2 tầng như vậy vừa tiết kiệm được thời gian lại giảm được 1 xe lưu thông trên đường”, ông Thủy nói.
Vị chuyên gia này cho rằng việc sử dụng xe buýt 2 tầng cũng giống như xây nhà 2 tầng, sử dụng tối đa không gian bên trên, điều đó rất tốt mà hợp lý. Đây cũng chính là nguyên nhân mà nhiều nước sử dụng xe buýt 2 tầng chạy trong đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, cần cân nhắc khi sử dụng xe buýt 2 tầng vì Việt Nam chưa tận dụng hết không gian của xe. Khi lưu thông trên đường, nhiều xe trống rỗng, không có khách. Số xe tận dụng ghế ngồi chỉ từ 30- 50% chứ không thể hết được 100%. Giờ cao điểm cũng có một số tuyến là đầy khách.
Theo ông Thủy, ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, TP.HCM những năm gần đây số người đi xe buýt ít đi. Nhiều tuyến xe mỗi lượt chạy chỉ có một vài hành khách trên xe. Trong điều kiện đó thì các thành phố lớn không nên sử dụng xe 2 tầng một cách đại trà.
Xe buýt 2 tầng tại TP.HCM. Ảnh: Song Hà/ Báo Xây dựng. |
Ông Vũ Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giao thông vận tải, cho rằng xét về mặt kỹ thuật, xe buýt 2 tầng không chiếm dụng không gian lòng đường nhiều hơn so với xe một tầng nhưng số chỗ ngồi tăng lên. Do đó, hiệu quả vận chuyển của loại phương tiện này sẽ tăng đáng kể.
|
“Theo tôi đây là giải pháp khả thi. Thực tế, hệ thống vận chuyển ở Hà Nội vào các giờ cao điểm đã bị bão hòa, đã vượt quá năng lực vận chuyển hệ thống.
Do đó, việc đưa xe buýt 2 tầng vào thì năng lực hệ thống tăng lên gấp rưỡi, thậm chí còn làm giảm tắc đường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có đánh giá một số yếu tố kỹ thuật trước khi vận hành”, ông Tuấn nói.
Trả lời phóng viên về đề xuất sử dụng xe buýt 2 tầng ở Hà Nội, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc sở GTVT TP Hà Nội thông tin: “Tôi được biết, trước đây có một doanh nghiệp đề xuất việc sử dụng xe buýt 2 tầng ở Hà Nội. Nhận được đề xuất, chúng tôi đã có công văn báo cáo, xin ý kiến của UBND TP.Hà Nội”.
Theo ông Quang, Sở GTVT Hà Nội báo cáo lên UBND TP theo hướng ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp nhưng cũng nói rõ cần phải tính toán vấn đề như cơ sở hạ tầng để xe 2 tầng lưu thông.
Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội và Tổng Cty Vận tải Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng và phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt ở Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
Về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt tại Hà Nội, tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia đưa ra ý kiến: “Nếu không thể tăng số lượng xe thì còn cách là đưa xe 2 tầng vào hoạt động”.
Phân tích về ý kiến này, tiến sĩ Minh cho biết do hạ tầng không thể tăng thêm xe vì mật độ xe đã nhiều lại phân bổ không đều nên việc nghiên cứu đưa xe buýt 2 tầng vào phục vụ là hợp lý. Việc đưa xe buýt 2 tầng vào sử dụng không chỉ giảm mật độ xe buýt hiện nay mà còn tăng cả về chất lượng phục vụ.
Theo Zing