Mỹ đã cảnh báo Nga và không lâu sau đó, Mỹ thực hiện sự cảnh báo của mình. Điều đó chứng tỏ Nga bỏ lời cảnh báo của Mỹ ngoài tai để tiếp tục không kích, hỗ trợ cho quân đội Syria quyết tâm dứt điểm Aleppo.
Tuy nhiên, nếu như điều cảnh báo của Mỹ chỉ là “ngừng đàm phán với Nga về thỏa thuận Syria” thì không đáng để bình luận nội dung, nhưng hậu quả sau đó, sau khi Mỹ đơn phương đình chỉ đàm phán, mới đáng sợ: Mỹ và Nga đang “cởi găng tay” trên võ đài Syria.
Tình huống xảy ra xung đột quân sự toàn diện Nga-Mỹ
Mỹ đang tấn công Nga trên 3 mặt trận. Về kinh tế thì cấm vận, trừng phạt; về chính trị thì cô lập tố cáo Nga như là hung thần tội ác chiến tranh… còn về mặt quân sự?
Người Mỹ thừa khôn ngoan để không lao vào một cuộc chiến toàn diện với Nga bởi đó là sự tự sát. Mỹ muốn tăng áp lực quân sự tại Syria và các nơi bởi NATO khiến Nga luôn trong tình trạng chiến tranh để buộc Nga “chạy đua” đến một lúc nào đó sẽ kiệt sức và sa lầy.
Nga cũng không dại khiêu khích Mỹ bởi lẽ Nga thừa hiểu không thể thắng Mỹ bằng cuộc chiến tranh thông thường. Mỹ mạnh hơn Nga, giàu có hơn Nga cho nên trong đối sách quân sự với Mỹ, Nga luôn quyết đoán. Điều này nghe có vẻ như có sự mâu thuẫn, nhưng thực ra là không. Thật vậy:
Có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ xảy một cuộc chiến tranh quân sự Nga và Mỹ, mặc dù chiến tranh kinh tế hay chính trị đã, đang, sẽ xảy ra.
Mỹ đang là cường quốc có tiềm lực kinh tế, quốc phòng, chính trị đứng đầu thế giới. Không một quốc gia nào đủ sức để đối đầu với Mỹ bằng cuộc chiến tranh thông thường. Nếu bằng chiến tranh hạt nhân thì cũng thế, chỉ trừ nước Nga.
Cho nên, nấc thang cuối của cuộc cuộc chiến tranh Nga-Mỹ là sử dụng VKHN đồng nghĩa với cả hai bên và thế giới bị xóa sổ. Đương nhiên, Nga cũng như Mỹ không ai muốn tự sát.
Đây là lý do vì sao trong các tình huống quân sự, khi Nga bị đe dọa là Nga luôn có những hành động quyết đoán, mau lẹ, mà Mỹ không thể đối đầu trực tiếp. Cho rằng, Mỹ yếu kém trước Nga là sai (cứ thử đụng vào lợi ích an ninh của Mỹ xem).
Đáng tiếc là nguyên tắc trên, quá dễ hiểu, nhưng một vài quốc gia Đông Âu, NATO không hiểu, nghe Mỹ, dựa vào ô Mỹ, khiêu khích Nga nên bị ăn đòn nhừ tử mới ngộ nhận ra thì đã muộn.
Quyền lợi và nguồn lợi của Mỹ có khắp thế giới, Mỹ chẳng dại vì một nguồn lợi nhỏ mà hy sinh toàn bộ. Ukraine, Gruzia hay Syria cũng vậy thôi, vai trò địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự chưa đủ để Mỹ lao vào một cuộc chiến toàn diện với Nga mà kết thúc ra sao Mỹ đã rõ.
Tại Syria, tình huống nào khiến Nga và Mỹ có cuộc xung đột quân sự trực tiếp, toàn diện? Đó là chỉ khi Mỹ tiến hành áp đặt vùng cấm bay trên Syria.
Như đã nói, để có một vùng cấm bay trên Syria, Mỹ phải tiến hành các bước sau:
Bước một là mở đòn tấn công bằng tên lửa hành trình để vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không, TTLL, Radar (làm mù và điếc) đối phương.
Bước hai là sử dụng máy bay tiêm kích tuần tra, chiến đấu dưới sự chỉ huy điều phối từ máy bay AWACS.
Cuối cùng là sau khi hệ thống phòng không bị hủy diệt, máy bay ném bom, trực thăng chiến đấu sẽ xuất hiện tham gia tấn công mặt đất hỗ trợ bộ binh.
Sau khi Nga đã “chiếm lĩnh trận địa”, cơ bản đã áp đặt một vùng cấm bay trên Syria nên nếu muốn thay thế thì có nghĩa là Mỹ phải đánh bật Nga ra khỏi tư thế này. Không dễ cho Mỹ và Nga cũng không dễ từ bỏ.
Như vậy, tình huống “áp đặt vùng cấm bay” trên Syria của Mỹ sẽ khiến cuộc chiến trực tiếp, toàn diện Nga-Mỹ sẽ xảy ra. Đây chính là đường "red line" (ranh giới đỏ) tại chiến trường Syria của 2 quốc gia đứng đầu có can dự trực tiếp vào chiến trường.
Xung đột Nga-Mỹ cấp độ “sự cố quân sự”
Đây là 2 siêu cường có tiềm lực quân sự, VKHN tương đương và hùng mạnh nhất trên thế giới. Vì vậy khi đã xung đột quân sự với nhau thì chỉ có 2 cấp độ: sự cố quân sự và xung đột toàn diện.
Xung đột quân sự toàn diện Nga-Mỹ như đã phân tích trên, ở đây chúng ta chỉ đi sâu để hiểu rõ xung đột quân sự Nga-Mỹ ở cấp độ “sự cố quân sự”.
Nga đã điều S-300MV đến Syria chấp nhận cuộc chơi “leo thang đối xứng” |
Về tính chất ở cấp sự cố quân sự. Sự cố quân sự, chẳng hạn như vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ SU-24 Nga, rồi Mỹ ném bom vào quân chính phủ Syria… đều mang tính chất cố ý nhưng được che đậy bởi lý do vô ý.
Xung đột cấp độ này thực chất là sự trả đũa nhau, một sự leo thang quân sự “đối xứng” mà không biến thành cớ để xảy ra chiến tranh. Hành động của 2 bên là, nếu anh chơi tôi vụ này thì tôi chơi lại anh vụ kia.
Sự cố quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ SU-24 Nga thì ngay sau đó Nga trả đũa bằng những trận không kích.
Sự cố quân sự Mỹ “ném bom nhầm” giết chết 62 và làm bị thương hơn 100 binh sỹ quân đội Syria thì ngay sau đó Nga phóng 3 tên lửa Kalibr giết chết 30 sỹ quan nước ngoài ngay tại phòng chỉ huy tác chiến chỉ huy phiến quân.
Sự cố lực lượng “mũ trắng” (thực chất là người của al-Nusra) áp tải “hàng viện trợ nhân đạo” đến một vị trí mà Nga cho rằng nó rất “tù mù”, bị lực lượng nào đó đốt sạch, phá sạch và 20 mạng nhân viên áp tải bị giết.
Ngoài ra, “leo thang đối xứng” còn biểu hiện ở các mối đe dọa.
Mỹ đe dọa “nếu… thì sẽ có những người Nga trở về trong các túi xác”. Nga đáp trả “Nga biết chính xác vị trí của hơn 4000 “chuyên gia” Mỹ đang ở đâu, làm gì tại Syria”. Điều này có nghĩa là: Nếu Mỹ và phiến quân tấn công lực lượng Nga đang làm nhiệm vụ tại Syria thì tất nhiên, Nga… không chỉ có 3 quả tên lửa Kalibr như vừa qua…
Mỹ có kế hoạch tấn công trực tiếp vào quân chính phủ Syria được hoạch định bởi Lầu Năm Góc, thì Nga triển khai S-300MV tại Syria với tuyên bố “S-300MV của Nga không có thời gian để kiểm tra ai là chủ nhân của tên lửa, máy bay kể cả máy bay tàng hình, đang tạo ra mối nguy hiểm cho Nga và quân đội Syria”.
Như vậy có thể nói xung đột Nga-Mỹ cấp độ “sự cố quân sự” đã, đang và sẽ xảy ra là chủ đạo hình thành nên thế trận tại Syria.
Chúng ta sẽ có dịp nhìn thấy kỹ những tùy chọn của Nga và Mỹ trên chiến trường Syria.
Theo Đất Việt