1. “Mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con? Con có tội gì đâu mà mẹ lại bỏ con?”. Đó là câu hỏi cũng là lời trách móc của cậu bé Long, một nhân vật trong phim “Bụi đời” của đạo diễn Nguyễn Minh Cao được phát sóng trên trên VTV1. Trong phim có cảnh Long và một cậu bé khác sống dưới gầm một cây cầu. Hằng ngày các cháu đi nhặt ve chai, bán vé số, đánh giày kiếm sống qua ngày. Một cháu thì mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Còn Long, vì một biến cố khiến gia đình ly tán. Em phải lang thang tìm mẹ. Thật trớ trêu, gặp được mẹ, nhưng mẹ em lại không dám nhận con... Xem xong phim, cậu con trai học lớp 3 của tôi liền ôm chặt mẹ nó và khóc nức nở: “Mẹ ơi mẹ có bỏ con không, con sợ như bạn Long trong phim lắm”. Ôm cậu con trai vào lòng, mẹ cháu cũng khóc: “Không khi nào mẹ bỏ con”.
Những tưởng cảnh đó chỉ có trên phim ảnh, nào ngờ nó đang diễn ra giữa đời thường. Trong một video clip xuất hiện trên báo mạng gần đây, có 4 đứa trẻ lang thang chọn gầm cầu Mống, cây cầu bắc ngang một nhánh kênh Tẻ thông ra sông Sài Gòn, nối liền quận 1 và quận 4, TP.HCM làm “nhà”. 4 đứa trẻ, đứa lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ mới 12. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, chúng tụ tập dưới một “mái nhà”.
Cậu bé lớn nhất tên Võ Ngọc Hoàng kể, quê cậu ở Huế. Cậu vào TP.HCM giúp việc cho một người quen từ năm 13 tuổi. Cậu quen bọn trẻ được 1 năm rồi. Lúc rảnh rỗi cậu thường ra khu khu vực cầu Móng chơi với một người bạn. Tình cờ gặp một vài đứa trẻ lang thang tới xin tiền. Thương lũ trẻ, cậu cho chúng tiền. Sau đó tuần nào cậu cũng tới và lần nào cậu cũng cho bọn trẻ tiền. Lâu dần, cậu quen và thân với những đứa trẻ lang thang lúc nào không biết. Và rồi cậu quyết định “dọn ra ở chung với chúng”.
Cuộc sống bấp bênh đánh đu với nguy hiểm. |
Còn với cậu bé Vũ Thái Hòa (SN 2004), theo như cậu kể, cậu không có ba. Ba cậu bỏ đi khi cậu mới 5 tuổi. Chỉ tay vào chỗ nằm dưới gầm cầu, Hòa nói: “Đây là chỗ nằm của tụi em, còn mùng mền do anh Hoàng mang đến”. Với cậu bé có tên Phạm Nguyễn Phúc: “Em không có ba, ba mẹ em không cưới nhau. Sinh em ra, mẹ gửi em cho bà ngoại rồi đi đâu em không biết. Khi ngoại mất, không còn ai ở với em, cũng không ai cho em ăn nên em đi bụi. Em bỏ nhà đi được 4-5 năm rồi”.
Có tiền, các em đi tắm ở những nơi công cộng. Không có tiền, các em tắm sông. Mọi sinh hoạt của các em đều là nước sông. “Nhảy sông cũng bình thường thôi, như rớt từ trên lầu xuống vậy đó. Có tiền thì tụi em mua xà bông để giặt. Khi đói thì tụi em đi xin người ta”, em Phạm Nguyễn Phúc kể.
Như người anh lớn trong nhà, Võ Ngọc Hoàng rất lo cho tụi nhỏ. “Từ khi gặp tụi nó là em bỏ đi bụi đời luôn. Em xin làm ở mấy quán hủ tiếu lấy tiền nuôi tụi nó. Một mình em nuôi 3 tụi nó. Thằng kia có nhà, em khuyên nó về với gia đình nhưng nó không chịu. Đi bụi có gì vui đâu, lỡ ăn trộm, ăn cắp bị công an bắt, không có người bảo lãnh. Nhưng nó không nghe, thấy công an thì chạy chứ nó không chịu về nhà”, Hoàng tâm sự.
Cậu cho biết thêm: “Mấy đứa tụi em, có đứa từng ở trung tâm bảo trợ xã hội nhưng không được tự do. Ở ngoài này tụi em tự do hơn”. Nói về ước mơ, cậu bé Trần Ngọc Sương muốn sau này có thật nhiều tiền để mở chỗ bán xe hơi. Bé Phạm Nguyễn Phúc thì muốn trở thành luật sư để giúp người nghèo, người oan sai. Với người “anh cả” Võ Ngọc Hoàng, cậu chỉ ước gì có chỗ đàng hoàng cho mấy em ở. Có chỗ ở, chúng không phải lang thang bụi đời nữa. Cậu sợ chúng dính vào các tệ nạn xã hội, trộm cắp, xì ke ma túy thì khổ.
2. Ngày 26-9 chúng tôi tìm tới “nhà” của những đứa trẻ sống lang thang cũng vừa lúc mấy cô gái làm thiện nguyện tìm tới. Các cô thuộc một tổ chức tư nhân chuyên giúp trẻ em cơ nhỡ. Họ bảo đã tìm được cho các em nơi ăn chốn ở, họ muốn giúp các em có công ăn việc làm.
Nhiều cá nhân cũng tìm đến sẻ chia những thiệt thòi, động viên các em. Có người mang theo cả đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, họ tới hơi muộn vì trước đó không lâu các em đã được Công an phường Nguyễn Thái Bình đưa về trụ sở để tìm giúp thân nhân.
Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Công an phường Nguyễn Thái Bình cho biết, đúng là có 4 đứa trẻ sống lang thang, ngủ nghỉ dưới gầm cầu Mống, nhưng tất cả không giống như những gì mà báo mạng đã phản ánh. Sự thật trong 4 em, đứa lớn nhất, tên Vũ Ngọc Hoàng (SN 1998, quê Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), Vi Văn Quý, (SN 2004, quê Thanh Hóa) là những em ở ngoại tỉnh không có gia đình, chỗ ở. Trong số các bé trên, không có bé nào tên Phạm Nguyễn Phúc hay Trần Ngọc Sương mà chỉ có cháu Nguyễn Lê Bảo Bảo.
Bảo Bảo (SN 2003, quê Đức Hòa Hạ, Đức Hòa, Long An) hiện bé tạm trú tại Tân Bình, TP.HCM, cùng gia đình. Sau khi xác định được thân nhân, cháu đã được người thân đón về. Còn bé Vũ Thái Hòa (SN 2004, ngụ tại quận 4, TP.HCM), bé mới bỏ nhà đi hơn một tuần nay. Lý do cháu bỏ nhà đi cũng rất đơn giản, đi chơi thấy vui hơn nên đi luôn.
“Với những cháu đã xác định được thân nhân và gia đình, chúng tôi đã cho bảo lãnh, đón về. Còn các cháu không có người thân, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tới đón về chăm sóc”, Thiếu tá Phạm Anh Tuấn cho biết. Khi chúng tôi tới, các cháu đã được gia đình và Trung tâm bảo trợ xã hội đón đi. Cơn mưa trắng trời chiều 26-9 cũng đã ngăn cản chúng tôi tìm gặp người thân của các cháu để hiểu rõ sự tình.
Những đứa trẻ dưới chân cầu (cắt từ video clip). |
3. Thực ra không chỉ có 4 cháu, mà còn nhiều cháu khác sống lang thang, nhưng không phải cháu nào cũng là trẻ bị bỏ rơi, có hoàn cảnh éo le, đáng thương như những gì báo mạng phản ánh. Có cháu chỉ vì ham vui, lười học nên đã trốn gia đình đi bụi. Nhiều cháu khi được hỏi thì khai tên địa chỉ không rõ ràng khiến việc xác định thân nhân các cháu rất khó khăn.
Theo cán bộ Công an phường Nguyễn Thái Bình, việc các cháu bỏ nhà đi bụi, sống lang thang ở những nơi công cộng, đặc biệt là dưới gầm cầu Mống cực kỳ nguy hiểm. Ăn nghỉ dưới gầm cầu, đêm hôm không may sơ sẩy, các cháu có thể sẽ bị ngã xuống sông, mất mạng như chơi. Ở đoạn sông gần khu vực cầu Mống, có nhiều biển báo cấm bơi lội, nhưng các em vẫn vô tư gieo mình từ trên cầu xuống, nếu gặp lúc tàu bè qua lại, hay khi nước cạn... thì tính mạng của các em sẽ khó bảo toàn.
Khu vực này có nhiều du khách tham quan, nếu tập trung đông trẻ lang thang bụi đời sẽ tạo hình ảnh xấu dưới con mắt du khách... Đó là chưa kể cạm bẫy luôn rình rập các em. Có rất nhiều trẻ em là nạn nhân của những kẻ biến thái, lạm dụng tình dục, những kẻ buôn người, bị lợi dụng vào những hành vi phạm pháp...
Một bảo vệ quán cà phê gần đó cho biết, ban ngày chúng lang thang kiếm sống, ai kêu gì làm nấy, đêm đến chúng tụ tập dưới gầm cầu ăn ngủ thật đáng thương. Cũng từng là trẻ bụi đời từ năm 6-7 tuổi, nay đã gần 30 tuổi, anh rất hiểu và thông cảm cho những đứa trẻ đường phố.
Anh cũng thừa hiểu cạm bẫy đối với chúng. Không may gặp kẻ xấu dụ dỗ, các em dễ bị sa ngã. Do còn là những đứa trẻ nên các em thiếu kỹ năng sống, rất dễ lầm đường lạc lối. Hơn ai hết anh mong những đứa trẻ kia sớm “giác ngộ” tìm nẻo quay về.
Vô tư gieo mình từ trên cầu xuống dòng nước chảy xiết, đùa vui cùng dòng nước, các em đâu biết rằng mình đang đùa với số phận, đùa với tử thần. Những lúc các em ngồi thu mình dưới gầm cầu nhìn trời mưa, nhìn dòng nước cuộn chảy, chúng tôi không khỏi lo lắng rồi đây giữa dòng đời xuôi ngược các em sẽ sống ra sao, sẽ đi về đâu!
Một ai đó từng nói: “Bạn không được chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống”. Tuy nhiên, lựa chọn thế nào, trong đó cũng có phần tác động rất lớn, có trách nhiệm của người lớn, gia đình và xã hội. Dù sao các em cũng còn quá nhỏ...
Theo NLĐ