Nga đoán trước Mỹ mở đường đưa IS từ Mosul sang Syria

Thứ tư, 19/10/2016, 11:38
Nga sẽ có hành động quân sự và chính trị nếu các tay súng IS rút từ Mosul sang Syria, nơi binh sĩ Nga đang hoạt động hợp pháp.

Hỏa lực miệng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/10 tuyên bố Moskva sẽ đưa ra quyết định quân sự và chính trị trong trường hợp các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) rút lui từ thành phố Mosul của Iraq sang Syria.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskva, ông Lavrov nêu rõ hành lang từ Mosul vẫn còn duy trì nên các tay súng IS từ Iraq có thể sẽ rút sang Syria. Nga sẽ đánh giá tình hình và đưa ra quyết định, cả về chính trị và quân sự, nếu điều đó xảy ra và nếu có các nhóm chiến binh IS khác tới Syria, nơi binh sĩ của Nga đang hoạt động theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo về một cuộc chiến khó khăn phía trước, khi các lực lượng Iraq dưới sự hỗ trợ của liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến vào Mosul nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố này từ tay IS. Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Matteo Renzi, ông Obama nêu rõ "Mosul là một cuộc chiến khó khăn. Sẽ có những bước tiến và những bước lùi".

Bên cạnh đó, ông Obama đã chỉ trích những hành xử của Nga hủy hoại các quy tắc quốc tế, đồng thời khẳng định mọi quan điểm cho rằng Mỹ xâm phạm các lợi ích của Nga đều không chính xác khi viện dẫn “sự gây hấn của Nga ở Ukraine” và một số hành động khác.

Ông Obama nói: “Mỹ coi Nga là nước lớn và quan trọng với một quân đội mạnh thứ hai thế giới sau Mỹ và đóng góp một phần trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, những hành xử của Moskva đang hủy hoại các quy tắc và luật pháp quốc tế theo những cách buộc chúng tôi phải phê phán”.

Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và Trung Đông ngày 18/10 đã nhóm họp tại Geneva để thảo luận các nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn mới tại Syria. Theo giới chức ngoại giao Mỹ và phương Tây, cuộc họp có sự tham dự của các chuyên gia tới từ Saudi Arabia, Qatar, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Mỹ.

Các lực lượng Iraq áp sát Mosul

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cùng ngày cũng đã đón tiếp Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Al-Jaafari tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ), và bày tỏ cam kết về sự ủng hộ của liên minh quân sự này dành cho Iraq.

Theo một tuyên bố của NATO, tại buổi tiếp, ông Stoltenberg đã nhắc lại cam kết của NATO về việc hỗ trợ huấn luyện trong nước và xây dựng năng lực cho Iraq. Cụ thể, NATO sẽ triển khai hoạt động huấn luyện ở Iraq vào tháng 1/2017. Bên cạnh đó, ông Stoltenberg đã nhấn mạnh về những nỗ lực của NATO trong việc tăng cường hỗ trợ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS.

Mỹ đã sợ dùng sức mạnh?

Trang mạng The National Interest cho biết việc thỏa thuận ngừng bắn tại Syria bị phá vỡ đã khiến giới ngoại giao Mỹ trải qua một vài tuần đau đầu. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, Mỹ đã giành được nhiều thắng lợi ngoại giao to lớn khi thực hiện đối sách ngoại giao thông minh với mục tiêu giành được những lợi ích chủ chốt.

Sự kiện thống nhất nước Đức trong hòa bình, sự mở cửa của Trung Quốc, xây dựng liên minh cho chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất là một vài trong số nhiều thành công mà Mỹ giành được dưới chính sách ngoại giao dựa trên lợi ích.

Chỉ đến thời thế giới hậu 11/9, Mỹ mới sử dụng sức mạnh quân sự như là công cụ quản lý nhà nước ưa thích và thường là duy nhất, một chính sách cho đến nay bị coi là thất bại.

Bất chấp những cuộc can thiệp quân sự với quy mô rộng lớn và kéo dài tại Iraq và Afghanistan, Mỹ hiện tại còn xa mục tiêu giành thắng lợi hơn so với những năm đầu diễn ra các cuộc xung đột. Tương tự, chiến dịch không kích quy mô lớn chống khủng bố ở Yemen, Pakistan và Iraq vẫn chưa ngăn chặn được sự bành trướng của cả al-Qaeda và IS.

Kết thúc đẫm máu của lệnh ngừng bắn gần đây ở Syria là một đòn giáng vào những nỗ lực của Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận với Nga. Sau khi đe dọa chấm dứt đàm phán nếu Nga tiếp tục các cuộc không kích ở Aleppo, Ngoại trưởng John Kerry bị chính các chính trị gia nước này mỉa mai.

Trong các cuộc đàm phán về Syria, Mỹ đến nay đã đưa ra những lý lẽ mang tính đạo đức về những tội ác chiến tranh của chế độ Assad trong khi những bên đàm phán khác lại chỉ chú trọng vào những lợi ích mà họ có thể đạt được.

Xe tăng Mỹ được quân chính phủ Iraq sử dụng trong cuộc tấn công vào Mosul

Các nhà ngoại giao Mỹ đã thất bại trong việc đưa ra những lợi ích chủ chốt mà Mỹ đang theo đuổi tại Syria, xác định đâu là một kết quả thực tế và có thể chấp nhận được hay cố gắng thu hẹp khác biệt với Nga trong việc bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad.

Các quốc gia thường nói trên nguyên tắc nhưng lại hành động trên lợi ích của họ và chính sách ngoại giao của Mỹ chỉ đạt kết quả khi nó thừa nhận thực tế này.

Vào những giai đoạn đầu của cuộc xung đột ở Syria, Mỹ cương quyết đòi ông Assad phải ra đi. Chính sách này không chỉ khuyến khích các nhóm đối lập cầm vũ khí với kỳ vọng sai lầm về sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ mà còn dẫn đến việc các đồng minh của chế độ Assad gia tăng hỗ trợ nhằm thách thức những mục tiêu Mỹ đã đưa ra.

Mỹ cũng đã vượt quá quyền hạn do Liên hợp quốc ủy nhiệm khi lật đổ chính quyền của ông Muammar Gaddafi tại Libya. Kể từ năm 2011, các nhóm phiến quân đã tranh giành quyền lực, đẩy Libya vào tình trạng vô chính phủ.

Theo The National Interest, trong khi sức mạnh quân sự có vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao, sẽ hiệu quả hơn khi sử dụng quân sự như một giải pháp cuối cùng và chỉ nhằm đạt được những mục đích chiến lược rõ ràng.

Việc áp dụng các chiến lược ngoại giao thông minh dựa trên lợi ích mà Mỹ thường dùng trong Chiến tranh Lạnh là cần thiết để đạt được tiến bộ trong những vấn đề nan giải. Đặc biệt trong việc đối phó với những cường quốc hạt nhân khác, đạt được mục tiêu thông qua biện pháp ngoại giao là con đường duy nhất nhằm bảo đảm những lợi ích của Mỹ trong khi vẫn duy trì được môi trường hòa bình.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn