Bước vào giai đoạn nước rút của chiến dịch tranh cử, nội dung các phát biểu của Trump thay đổi theo hướng rõ rệt: một mặt ông tấn công đối thủ bằng những cáo buộc vô căn cứ; mặt khác, ông tấn công tính chính danh của toàn bộ cuộc bầu cử khi luôn khẳng định những điểm bỏ phiếu có thể bị gian lận,
Twitter và những buổi vận động trở thành sân khấu để Trump liên tục phản đòn sau khi bị cô lập và tẩy chay vì những cáo buộc tấn công tình dục và xúc phạm phụ nữ.
Đối thủ của Trump lần này không chỉ là bà Hillary Clinton, giới truyền thông, mà còn là phần lớn đảng viên Cộng hòa đã rời bỏ ông. "100% những cáo buộc là giả dối và dàn dựng, chúng có thể đầu độc tâm trí cử tri", Trump viết trên Twitter ngày 15/10.
CNN nhận định những phát biểu của Trump từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay cho thấy vị tỷ phú muốn nhắm tới những người chuộng các thuyết âm mưu hoặc thế giới ngầm của các nhóm chống phá chính phủ. Ông không chỉ kiên quyết ủng hộ Tu Chính án thứ 2 (về quyền sở hữu vũ khí của người dân) mà còn thẳng thừng kích động bạo lực.
Chiến thuật mới nhất của Trump: Đòi bà Hillary xét nghiệm chất kích thích. |
Hồi đầu tháng 8, khi phát biểu vận động cử tri ở thành phố Wilmington, bang North Carolina, Trump bị cáo buộc là "đe dọa ám sát" đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đến giữa tháng 9, Trump nói bà Hillary có thể bắn một ai đó trước sự chứng kiến của hàng nghìn người mà không bị truy tố.
Khi bị báo chí khơi lại đoạn video bình phẩm xúc phạm và coi thường phụ nữ, Trump đáp trả ngay bằng việc mời những người được cho là nạn nhân bị Bill Clinton tấn công tình dục đến buổi tranh luận, để bà Hillary có thể thấy rõ những người phụ nữ này.
Gần đây nhất, vào ngày 15/10, sau khi chỉ trích nữ ứng viên của đảng Dân chủ chán chê về chuyện email cá nhân hoặc sức khỏe kém thì Trump lại nghĩ ra chiêu mới. Ông đòi bà Clinton phải đi xét nghiệm chuyện sử dụng thuốc kích thích.
"Chúng ta cần tiến hành xét nghiệm trước cuộc tranh luận, vì tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với bà ấy. Trong lần tranh luận gần nhất, Hillary ta tỏ ra nhiều năng lượng lúc đầu nhưng khi kết thúc thì thậm chí không thể tự đi ra xe. Tôi đã sẵn sàng để xét nghiệm", Trump phát biểu trong một buổi vận động ở Portsmouth, bang New Hampshire cuối tuần qua.
Thông điệp quan trọng xuyên suốt trong những lời chỉ trích của Trump là chuyện ông tố cáo quy trình bầu cử gian lận. Mới đây, vào ngày 17/10, Trump viết trên Twitter rằng "cuộc bầu cử này hoàn toàn gian lận vì sự thiếu trung thực và giới truyền thông bị bóp méo do bà 'Hillary quanh co' đứng sau".
Khi chiến dịch tranh cử của Trump bị khủng hoảng và một kết cục bại trận đã được cảnh báo trước, ông trùm bất động sản bám víu vào cáo buộc gian lận - dù không trưng ra bằng chứng cụ thể nào - để cố ghi điểm và kích động cử tri.
Trump đang sử dụng cáo buộc bầu cử gian lận có thể nhằm biện bạch cho thất bại được báo trước. Ảnh: Reuters. |
Các nhà sử học lo ngại việc Trump thường xuyên nhắc đến gian lận sẽ khiến phần lớn cử tri của vị tỷ phú không chịu chấp nhận kết quả bầu cử; từ đó dẫn đến bạo lực và sâu xa hơn là suy giảm niềm tin vào nền dân chủ Mỹ.
Giáo sư sử học Laura Belmonte (ĐH bang Oklahoma) nói những vụ cáo buộc kết quả bầu cử đã từng xảy ra nhưng "chưa có tiền lệ nào về giọng điệu quyết liệt như Trump". Từ đây, nó có thể đe dọa đến truyền thống lâu đời của Mỹ về giai đoạn chuyển tiếp quyền lực trong hòa bình.
Trong những lần bầu cử trước đây, người thua cuộc luôn chấp nhận thất bại và kêu gọi đoàn kết đất nước; qua đó duy trì niềm tin của dân chúng. Trong buổi tranh luận đầu tiên, Trump cũng trả lời rằng ông ta "hoàn toàn ủng hộ nếu bà Hillary thắng".
Tuy nhiên, khi trả lời New York Times tuần qua, Trump nói nước đôi rằng: "Phải đợi xem sao, xem chuyện gì sẽ xảy ra". Việc Trump thay đổi thái độ khiến giáo sư Rick Hasen (ĐH California-Irvine) lo lắng "ông ta đe dọa đến sự hòa bình vốn có trong mỗi giai đoạn chuyển tiếp".
Những phát biểu của Trump ít nhiều đã tạo ra tác động. Khảo sát củaPolitico cho thấy 41% cử tri (73% trong số này là đảng viên Cộng hòa) nói kết quả bầu cử có thể bị dàn xếp. Còn khảo sát của AP cho thấy gần một nửa ý kiến băn khoăn việc kiểm phiếu sẽ diễn ra công bằng.
Dù tuyên ngôn tranh cử của Trump là "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại", trang Vox nhận định những cáo buộc vô căn cứ của Trump thể hiện "sự căm ghét của ông ta với nước Mỹ ngày càng rõ ràng". "Khi Trump công khai tấn công tính chính thống cơ bản của cuộc bầu cử Tổng thống cho thấy ông không xem trọng đất nước mà mình muốn dẫn dắt", tờ Vox bình luận.
Theo Zing