Giới quan sát đánh giá tỷ phú Mỹ không còn cửa trở thành Tổng thống. |
"Những đề xuất của ông Trump nhằm đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại đã giúp ông chiếm được cảm tình của khoảng 40% cử tri, nhưng dường như số lượng người ủng hộ ông đã đến mức kịch trần", Aaron Kall, Giám đốc phụ trách tranh luận của Đại học Michigan, Mỹ, đánh giá với VnExpress.
Theo ông Kall, tỷ phú tin rằng hệ thống chính trị của Mỹ và chính sách thương mại đã khiến nước này đi xuống và tương lai của đất nước sẽ bị phá hủy nếu như không có sự thay đổi toàn diện. Do đó, ông Trump đã đưa ra những đề xuất như tăng thuế thương mại, cấm người nhập cư theo đạo Hồi từ một số nước vào Mỹ, xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng đã "làm được một điều tuyệt vời" là khiến những người ủng hộ mình phấn khích khi tập trung tấn công vào bê bối sử dụng email cá nhân của đối thủ Hillary Clinton, tấn công những cáo buộc quấy rối phụ nữ của chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton cách đây hơn 20 năm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Kall, thông điệp của tỷ phú Mỹ đã không tạo được tiếng vang trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những người gốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nữ giới.
"Đây là những cử tri chủ chốt và ông ấy không thể trúng cử khi thiếu sự ủng hộ lớn từ họ. Những gì ông Trump thể hiện trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai với bà Clinton hôm 10/10 đã khiến những người ủng hộ trung thành nhất của ông phấn chấn, thế nhưng nó không giúp ông có thêm các cử tri mới", Kall nói.
Tỷ phú Trump trong tranh luận trực tiếp hôm đầu tuần chỉ mải mê tung ra liên tiếp những lời cáo buộc nặng nề với đối thủ, cáo buộc bà Clinton "làm tổn thương phụ nữ" trong vụ bê bối tình ái của chồng, đồng thời đe dọa sẽ yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp "bỏ tù" cựu Ngoại trưởng nếu ông đắc cử. Phía cựu Ngoại trưởng Clinton cũng công kích đối phương gay gắt, điều đó khiến giới quan sát của Mỹ đánh giá đây là "cuộc tranh luận tiêu cực nhất" kể từ khi nước này lần đầu có cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống từ năm 1960.
Bình luận về việc ông Trump tuyên chiến với đảng Cộng hòa, chỉ trích các quan chức chủ chốt của đảng khi họ tuyên bố "không bảo vệ" ông vào thời điểm chặng đua vào Nhà Trắng ở giai đoạn nước rút, chuyên gia Kall cho biết "làn sóng ngầm" thực ra đã âm ỉ nhiều tháng nay và nó chỉ bùng nổ sau khi ông Trump bị lộ video khoe "thoải mái sàm sỡ phụ nữ" và thể hiện cá tính trong cuộc tranh luận hôm 10/10.
Trước đây tỷ phú Mỹ giành được vị trí đại diện của đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng là vì ông đại diện cho những người muốn tạo nên "cú hích" với tiến trình chính trị ở Washington. Ông Trump đánh bại 16 đối thủ trong vòng sơ bộ để trở thành người chuyển tải thông điệp "tạo thay đổi" của đảng Cộng hòa. Có thể nói ông Trump đã chiếm được cảm tình của 3/4 cử tri đảng Cộng hòa, nhưng ông cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục 1/4 còn lại.
Đáng chú ý, các thành viên của đảng Cộng hòa đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan, nếu từ bỏ Trump họ có thể bị mất nhiều phiếu nội bộ khi muốn tái ứng cử vào Quốc hội, chính quyền các bang, nhưng nếu ủng hộ Trump họ có thể khiến những người ủng hộ đảng Cộng hòa ở mức "vừa phải" xa lánh, điều đó càng khiến đảng Dân chủ giành được ưu thế ở các bang như Pennsylvania, New Hampshire, Florida. Trong khi Hạ viện vẫn sẽ là bức tường lửa giúp duy trì vị thế của đảng Cộng hòa, sự chia rẽ nội bộ về ủng hộ Donald Trump hay không sẽ khiến đảng này có nguy cơ suy yếu nghiêm trọng sau bầu cử, thậm chí đe dọa cả tương lai lâu dài của nó.
Theo ông Kall, hiện bà Clinton đang chiếm được cảm tình của khoảng 80% cử tri, trong khi chỉ còn 3 tuần nữa là đến ngày bầu cử.
"Ông Trump phải làm điều gì đó để thay đổi quỹ đạo của cuộc đua. Còn một cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng tại Las Vegas vào tuần tới. Sau đó, Trump chỉ có thể trông chờ vào một yếu tố bất ngờ ở bên ngoài nước Mỹ. Đó là kịch bản duy nhất có thể xảy ra", ông Kall nói.
Theo VNE