Vụ trộm bí ẩn ở Anh gây nghi ngờ về chuyến thăm của Trung Quốc

Thứ tư, 12/10/2016, 16:10
Hai tháng sau khi đón đoàn khách Trung Quốc, nhà máy Scotland bị mất trộm. Vài năm sau, Trung Quốc phát triển một thiết bị tương tự của họ.
Bên trên là sản phẩm của Pelamis, bên dưới là Hailong 1 của Trung Quốc.

Một vụ trộm đầy bất thường xảy ra trong đêm 22/3/2011, khi 4 hoặc 5 chiếc máy tính xách tay tại Pelamis, nhà máy năng lượng sóng biển ở Scotland, bị đánh cắp. Đây là nhà máy phát triển các công nghệ mới và được một phái đoàn chính phủ Trung Quốc dẫn đầu bởi ông Lý Khắc Cường, khi đó là phó thủ tướng Trung Quốc, tới thăm hai tháng trước vụ trộm, theo Guardian.

Những tên trộm không lấy thứ gì khác ngoài những chiếc laptop. Vụ án dù gây ra không ít khó chịu cho công ty nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên và không ai tìm ra thủ phạm. Chỉ đến vài năm sau đó người ta mới chú ý tới vụ việc khi nhiều bức ảnh xuất hiện cho thấy một thiết bị giống dự án của Scotland đến lạ kỳ được chế tạo tại Trung Quốc.

Khi đó, một số người có liên quan đến công ty Pelamis Wave Power của Scotland mới bắt đầu có những liên tưởng giữa chuyến thăm cấp cao và vụ trộm. Max Carcas, người từng là giám đốc phát triển kinh doanh tại Pelasmis cho tới năm 2012, cho rằng sự giống nhau giữa sản phẩm của Scotland và Trung Quốc là đáng kinh ngạc. Ông khẳng định: "Một vài chi tiết có thể khác nhưng rõ ràng họ đang thử nghiệm một phiên bản theo mô hình của Pelamis".

Có thể các kỹ sư Trung Quốc đã cùng phát triển một thiết kế tương tự như của các kỹ sư Scotland. Cũng có thể người Trung Quốc đã tìm cách nhái lại thiết kế dựa trên những bức ảnh về dự án của Pelamis, vốn được đăng tải rộng rãi trên mạng.

Dù vậy, cũng có thể có một cách giải thích nghiêm trọng hơn: Pelamis là mục tiêu bị Trung Quốc nhắm tới, đây là quốc gia nhiều lần bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch gián điệp công nghiệp.

Ông Lý Khắc Cường (hàng đầu, chính giữa) cùng phái đoàn thăm nhà máy Pelamis ngày 9/1/2011.

"Chúng tôi vốn rất tự hào khi là nơi duy nhất ngoài London tại Anh mà Phó Thủ tướng Trung Quốc đến thăm", Carcas nói. Ông Lý, hiện là Thủ tướng Trung Quốc, khi đó dẫn đầu phái đoàn 60 người đi thăm quan những công đoạn then chốt trong quá trình thi công Pelasmis, tại khu vực Leith, thành phố Edinburgh.

"Một vụ đột nhập diễn ra sau đó khoảng 10 tuần, một số laptop bị đánh cắp. Điều đáng ngờ là kẻ trộm lên thẳng văn phòng của chúng tôi ở tầng hai, thay vì vào các công ty khác ở tầng trệt hoặc tầng một".

Các vụ đột nhập tại các nhà xưởng không phải hiếm thấy. Pelamis cũng từng bị trộm đột nhập lấy cắp cáp đồng. Tuy nhiên, việc trộm chỉ lấy đi laptop từ văn phòng là trường hợp đầu tiên.

"Tôi có thể đưa ra rất nhiều suy đoán nhưng không muốn nói ra", ông Carcas cho biết.

Điều nực cười là Pelamis giờ đã chết yểu trong khi sản phẩm của Trung Quốc, có tên Hailong 1, có vẻ vẫn đang được phát triển.

Scotland là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ sóng biển trong nhiều thập kỷ. Pelamis là một trong những công ty công nghệ tiên phong, ban đầu có tên là Ocean Power Delivery, thành lập năm 1998 trước khi đổi tên thành Pelamis Wave Power năm 2007.

Cỗ máy Pelamis trông giống như một con rắn khổng lồ bằng kim loại, được đặt để cho sóng ùa thẳng vào trong nhằm khai thác năng lượng từ biển. Máy có hệ thống khớp nối độc đáo có thể giúp kiểm soát năng lượng của dòng chảy khi sóng biển di chuyển về phía cuối đường ống.

Các đặc tính tân tiến khác bao gồm một hệ thống kiểm soát tinh vi và một cơ chế nhanh chóng cho phép triển khai thiết bị cũng như thu hồi. Năm 2004, Pelamis là chiếc máy đầu tiên sử dụng sóng biển để phát điện và truyền thẳng vào lưới điện.

Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến cỗ máy và phái đoàn đã đến thăm nhưng họ không đầu tư vào dự án Pelamis. 3 năm sau, tháng 11/2014, Pelamis đã bị chính phủ tiếp quản. Sau 17 năm phát triển dự án với chi phí 95 triệu bảng Anh , công ty đã cạn kiệt ngân sách.

Những bức ảnh được chụp từ Trung Quốc cho thấy Hailong 1 có vẻ bề ngoài rất giống Pelamis. Ngoài ra, các đặc điểm cụ thể của thiết bị cũng có vẻ giống, nhất là hệ thống khớp nối và hệ thống triển khai và thu hồi thiết bị từ biển.

Hailong 1 dường như được đóng tại Viện nghiên cứu số 710, một cơ sở của Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Viện trên cũng tham gia phát triển các dự án quân sự. Hailong 1 được cho chạy thử nghiệm vào năm 2014 và 2015, nhưng cả hai lần đều bị hủy do biển động.

Guardian đã gửi một loạt câu hỏi cho chính phủ Trung Quốc, yêu cầu chi tiết về nguồn gốc của dự án Hailong 1 nhưng không nhận được câu trả lời. Tờ này nhấn mạnh không có ý cho rằng Thủ tướng Trung Quốc có kết nối với công ty hay biết gì về vụ trộm.

Bất chấp những điểm giống nhau, cả chính phủ Anh cũng như Scotland đều không có kế hoạch chất vấn Trung Quốc về vấn đề bản quyền. Calum Macfarlane, phát ngôn của Wave Energy Scotland nói: "Sở hữu trí tuệ không được bảo vệ tại Trung Quốc".

Theo VNE

Các tin cũ hơn