Du khách Trung Quốc tại TP.HCM |
Tại Việt Nam, câu chuyện về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc kèm với những lộn xộn về quản lý, rồi chuyện doanh nghiệp Trung Quốc ép giá, lũng đoạn thị trường... luôn là đề tài gây tranh cãi. Với câu chuyện của Thái Lan, du lịch Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm để quản lý thị trường du lịch lớn này.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), Trung Quốc là thị trường hàng đầu của Thái Lan và đang phát triển nhanh nhất. Năm ngoái, nước này đón 7,9 triệu khách Trung Quốc, tạo ra doanh thu hơn 376 tỉ baht. Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng khách đã lên đến hơn 5,76 triệu lượt, tăng 20,54% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngành du lịch Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về số khách đến từ Trung Quốc nhưng cơ quan quản lý đang thay đổi, không chạy theo số lượng khách mà tập trung vào chất lượng. Để làm được điều này, TAT vừa hợp tác với Tổng cục Du lịch Trung Quốc, thỏa thuận thành lập một ủy ban chung nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đảm bảo cho du khách Trung Quốc có những trải nghiệm ấn tượng với giá cả hợp lý.
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng vừa thảo luận với Cục Quản lý du lịch Trung Quốc (CNTA) về việc quy định giá tối thiểu 1.000 baht (30 đô la Mỹ)/ngày/người đối với các gói tour du lịch Thái từ Trung Quốc để đảm bảo chất lượng tour.
Theo số liệu từ Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), vào năm ngoái có đến 120 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Trung Quốc và vài thị trường khác như Mỹ, Anh đang trở thành thị trường nguồn của du lịch thế giới. Trong vài năm trở lại đây, thị trường này luôn đạt mức tăng trưởng hai con số. Du khách chủ yếu đến các điểm đến ở châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ và vài điểm đến ở châu Âu. |
Song song đó, TAT và các cơ quan khác cũng đồng thời thực hiện các biện pháp mạnh tay để trấn áp những doanh nghiệp làm ăn bất chính, những nơi đưa ra những "tour du lịch lịch 0 đồng".
Đây là loại tour tưởng chừng có giá rẻ vì khách chỉ phải mua vé may bay và phòng ở, được miễn phí nhiều dịch vụ khác nhưng thật ra khi đi du lịch, du khách buộc phải vào mua sắm ở những cửa hàng bán giá cao, mua tour tự chọn cao, rút ngắn thời gian tham quan... làm cho giá tour thực sự đắt đỏ, làm xấu hình ảnh điểm đến.
Một số cơ quan truyền thông của Thái Lan đưa tin, hồi đầu tháng 9-2016, Văn phòng chống rửa tiền Thái Lan đã tịch thu hơn 2.000 chiếc xe buýt chở khách cùng hơn 4,7 tỉ baht (140 triệu đô la Mỹ) tiền mặt từ “trùm” hệ thống tour 0 đồng tại Thái Lan là Công ty OA Transport (quận Lat Krabang, Bangkok). Đợt truy quét này đã làm du khách Trung Quốc đến Thái giảm mạnh.
Đến khi bắt đầu Tuần lễ vàng hồi đầu tháng 10-2016, thời điểm hàng triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, trong đó có điểm đến phổ biến là Thái Lan, thì những biện pháp mạnh tay, siết chặt sự lộn xộn của thị trường này vẫn tiếp tục được triển khai dù nhiều doanh nghiệp cho rằng làm như thế thì khách sẽ giảm.
Reuters dẫn thông tin từ ông Ruengdet Amorndetphakdee, chủ của Công ty The D Land Holiday Co., Ltd, chuyên phục vụ khách Trung Quốc, cho rằng với biện pháp này, tour đến Thái Lan sẽ trở nên đắt đỏ. Những hãng du lịch Trung Quốc sẽ không khuyến khích khách sang Thái Lan mà chọn cách bán hàng dễ dàng hơn là bán các chương trình tour trọn gói giá rẻ đến Hàn Quốc hay Việt Nam.
Cũng theo Reuters, TAT ước tính lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan năm nay sẽ chỉ đạt chừng 9,6 triệu lượt thay vì 10 triệu lượt như dự kiến ban đầu do việc thực hiện các biện pháp quản lý mới kể trên.
Tại Việt Nam, đã có hơn 1,9 triệu lượt khách Trung Quốc sang trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 57,7% so với cùng kỳ. Nhiều điểm du lịch tại miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Khánh Hòa,... tràn ngập du khách Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp và quan chức quản lý du lịch cho rằng, tour 0 đồng cũng đã có ở Việt Nam nhưng ngành du lịch chưa có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn ngay từ đầu.
Một quan chức cho biết, gần như luồng khách từ Trung Quốc đến các điểm du lịch ở miền Trung đều do doanh nghiệp Trung Quốc đưa sang. Một số doanh nghiệp tuy có tiếng là đón nhiều khách Trung Quốc nhưng thực ra chỉ làm đối tác, bán được một vài dịch vụ, còn lại đều là do doanh nghiệp Trung Quốc điều hành.
Ngay tại Đà Nẵng, Nha Trang... những đối tác này cũng khép kín vòng tròn dịch vụ bằng các cửa hàng mua sắm, ăn uống nên có tình trạng lượng khách đến nhiều mà tiền thuế thu được thì ít. Du khách đến các cửa hàng mua sắm, đi ra tay không nhưng thật ra là đã mua hàng và sẽ nhận hàng rồi trả tiền ngay tại Trung Quốc nên chủ cửa hàng không phải đóng thuế.
Ba năm trước, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh cũng đã gây "giật mình" khi thông báo giá tour thực tế phổ biến của khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch qua cửa khẩu đường bộ Quảng Ninh. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với các thị trường khác vì tour trọn gói cho một ngày đêm chỉ 300.000 đồng/người, cao nhất chỉ 400.000 đồng.
Tổng giám đốc (không muốn nêu tên) một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cho rằng, du lịch Việt Nam và những nước khác không thể đứng ngoài thị trường Trung Quốc, nguồn khách du lịch lớn hàng đầu của thế giới. Ở nhiều nước lân cận, tình hình cũng tương tự, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia rất sâu vào thị trường, khép kín vòng tròn dịch vụ nhưng cái hay của những nước như Singapore, Thái Lan là biết quản lý để buộc doanh nghiệp phải đóng thuế để ngành du lịch vẫn đón được nguồn khách lớn.
Theo ông, để bán được các tour 0 đồng, doanh nghiệp Trung Quốc không thể tự mình thực hiện mà có sự tiếp tay của nhiều doanh nghiệp trong nước. Những công ty này chấp nhận bán những gói tour giá rẻ dù biết với giá này thì không thể làm tour đàng hoàng để đối tác mặc sức
"Trong những cuộc họp, cơ quan quản lý có thể nêu tên những công ty có nhiều khách Trung Quốc nhưng nếu quản lý kỹ càng, có thể phối hợp với những đơn vị khác như thuế, hải quan, công an cửa khẩu... là biết được với lượng khách đó thì doanh số ra sao, tiền thuế bao nhiêu để biết giá bán thực sự. Tôi nghĩ làm điều này không khó", ông nói và cho rằng một điều quan trọng nữa là cơ quan quản lý có dám áp dụng các biện pháp mạnh tay để siết chặt thị trường này, chấp nhận lượng khách giảm để lấy chất lượng như Thái Lan đã làm hay không. Nếu muốn chắc chắn sẽ quản lý được.
Trao đổi với PV, một số quan chức tại những "điểm nóng" khách Trung Quốc ở miền Trung cho rằng, quản lý thị trường này rất nhạy cảm dù thấy hết những vấn đề đằng sau của nhiều doanh nghiệp nhưng lại chưa có những biện pháp có hiệu quả để quản lý.
Những biện pháp ban đầu đang áp dụng là siết đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để hạn chế tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc vào hướng dẫn khách rồi đưa vào các điểm dịch vụ của họ hay hướng dẫn viên trong nước tiếp tay, hạn chế tình trạng doanh nghiệp trong nước cho đối tác núp bóng và một số biện pháp nữa nhưng "không thể nói ra" (lời của một quan chức quản lý du lịch) vì sợ doanh nghiệp biết sẽ né ngay.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch phải vào cuộc chấn chỉnh sự lộn xộn của thị trường này ngay lập tức vì sắp tới có thể nguồn khách sẽ đổ vào nhiều hơn khi nhu cầu đi du lịch của khách vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, những doanh nghiệp kinh doanh tour 0 đồng, vốn đang bị kiểm soát gắt gao ở Thái Lan và một vài điểm đến khác có thể sẽ đổ khách đến Việt Nam để tìm cơ hội bán tour giá thấp nhưng lời cao vì "chém" được khách.
Theo TB KTSG