Phía Bắc Kinh đồng thời cảnh báo những quốc gia “không liên quan” không nên can thiệp vào vấn đề này.
“Chúng tôi hy vọng những nước không liên quan tới tranh chấp (Biển Đông) hãy tôn trọng những nước có tranh chấp tự giải quyết với nhau” - bà Fu Ying, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc nói tại Diễn đàn Xiangshan (vốn được Bắc Kinh coi là đối trọng với Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La thường niên tại Singapore).
Những hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc trên đá Subi nhìn từ đảo Thị Tứ tại Biển Đông vào ngày 11-5-2015. |
“Sự can thiệp của bên ngoài, tôi cho rằng những diễn biến vừa qua đã cho thấy chúng chỉ có thể đào sâu khác biệt và đôi khi làm tăng thêm căng thẳng” - bà Fu tuyên bố.
Bình luận của bà Fu đưa ra nhằm đáp trả những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee về những lo ngại của nước này về Biển Đông. “Chúng tôi phản đối các hành động hủy hoại hòa bình và làm xói mòn lòng tin, đồng thời mong muốn được thấy tất cả các bên có các bước đi tích cực nhằm giảm thiểu căng thẳng” - ông Brownlee nói.
"Là một quốc gia nhỏ có hoạt động giao thương hàng hải, luật quốc tế nói chung và Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc nói riêng, rất quan trọng đối với New Zealand. Chúng tôi ủng hộ các tiến trình phân xử trọng tài và tin rằng tất cả các nước có quyền tìm kiếm giải pháp quốc tế” - ông Brownlee nhấn mạnh thêm.
Cũng tại diễn đàn hôm 11-10, ông Brownlee phê phán hành động xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc xây đường băng mới gây phản đối khắp khu vực.
Sau phản ứng của bà Fu, ông Brownlee nói với Reuters rằng việc New Zealand bày tỏ quan ngại là hoàn toàn hợp lý, đó là ý kiến đại diện cho một quốc gia nhỏ hơn, cũng như tất cả các bên đều có thể có quyền lên tiếng.
Cũng tại diễn đàn quốc phòng khu vực lần thứ 7 này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanguan lên tiếng chỉ trích Washington vì can thiệp vào châu Á.
Theo NLĐ