Chiều 11/10, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã trao tặng 52 hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng. Trong đó có nhiều bức ảnh về phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam". Năm 2001, ông Kim Yeongman, cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam thuộc 'Lữ đoàn Rồng xanh' năm 1966, đến thăm đồi Quang Thạnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi ông từng chiến đấu, để quỳ tạ lỗi và cầu nguyện. Ảnh: Song Philkyung, đại diện Hội Y tế Hàn Quốc vì Hòa bình Việt Nam.
Mộ tập thể và bia tưởng niệm vụ thảm sát Duy Nghĩa năm 1969 tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), được chụp vào tháng 7/2012 Ảnh: Lee Jae Gab.
Công viên Hòa bình Hàn-Việt tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - nơi quân đội Hàn Quốc từng thảm sát thường dân, được xây dựng bằng tiền quyên góp của độc giả tạp chí Hankyoreh 21 trong chiến dịch "Thành thật xin lỗi Việt Nam". Lễ khánh thành được tổ chức vào tháng 1/2013. Ảnh: Tạp chí Hankyoreh 21.
Tháng 2/2013, một người Hàn Quốc ôm an ủi bà Đặng Thị Khoa, nạn nhân sống sót khi thấy bà khóc đau buồn tại Lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát Hà My, tổ chức ở xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Moon Yong Po.
Tháng 7/2014, du khách Hàn Quốc thắp nhang trước hố bom Truông Đình, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - nơi xảy ra thảm sát thường dân bởi quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Song Philkyung, Chủ tịch Hội Y tế Hàn Quốc vì Hòa bình Việt Nam.
Tháng 7/2015, thiền sư Myeong Jin, từng tham gia chiến tranh Việt Nam thuộc 'sư đoàn Mãnh Hổ' năm 1972, cúi lạy để tạ tội trước Bia tưởng niệm Phong Nhất Phong Nhị, xã Điện An (thị xã Điện Bàn Quảng Nam). Ảnh: Kim Seongheon.
Tháng 2/2016, giáo sư Roh Hwa Wook - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt - đang cúi lạy để tạ tội trước người dân tại Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An, tỉnh Bình Định. Ảnh: Woohae Cho.
Ông Lộc, con trai trưởng của Ông Nguyễn Dân (nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, năm 1968) đang thắp nhang để cúng lễ trong ngày giỗ của gia đình ngày 2/2/2016. Ảnh: Woohae Cho.
Những vật còn sót lại của Lễ cúng giỗ do dân làng tổ chức dưới gốc cây da dù trước cổng làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ngày 6/2/2016. Cây da dù là một trong những địa điểm đã xảy ra thảm sát vào năm 1968. Ảnh: Woohae Cho.
Anh Nguyễn Lập, con trai trưởng của cụ bà quá cố Phạm Thị Hoa (nạn nhân vụ thảm sát Hà My, xã Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, năm 1968) ứa nước mắt kể về người mẹ đã mất trước khi đoàn khách Hàn Quốc thăm nhà ngày 19/2/2016. Ảnh: Woohae Cho.
Tháng 4/2016, các học sinh Hàn Quốc dâng hoa lên tượng Pieta Việt Nam tại buổi họp báo của Ủy ban Xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt tổ chức tại Seoul, nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Cho Jinsub.
Theo VNE