Gần đây, việc du khách Trung Quốc với những hành động không chấp nhận được như đốt tiền Việt, gây rối nơi công cộng, hay tuyên truyền sai trái về chủ quyền... tạo ra làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng người Việt. Thậm chí còn có ý kiến “tẩy chay” du khách Trung Quốc. Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) chia sẻ quan điểm với PV.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, dù chắc chắn sẽ phải có những thay đổi để quản lý nhưng những hành động cực đoan và kỳ thị dân tộc sẽ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm xấu đi hình ảnh thân thiện và bao dung của nước ta. Thái độ thiếu văn minh của một bộ phận du khách cần được xử lý bằng những biện pháp cương quyết, nhưng đường hoàng và văn minh.
Cần nhấn mạnh là xu hướng gia tăng khách du lịch Trung Quốc diễn ra khắp toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam. Năm 2015, ước tính đã có đến 120 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Họ chi tiêu khoảng 215 tỷ USD, cao hơn cả GDP của nước ta. Người Trung Quốc thậm chí còn “sộp” hơn người Mỹ, khi bình quân chi nhiều hơn gấp đôi so với du khách đến từ xứ sở Cờ hoa.
Một hướng dẫn viên người Trung Quốc công khai đổi tiền nhân dân tệ cho du khách tại khu danh thắng quốc gia Hòn Chồng (Khánh Hòa). |
Sự bùng nổ du khách Trung Quốc mang lại những lợi ích không thể phủ nhận ở các điểm du lịch, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm gần chục năm đổ lại. Các quốc gia cạnh tranh nhau khốc liệt để hút khách Trung Quốc.
Thế nhưng, với một bộ phận lớn du khách là người Trung Quốc chưa từng đặt chân ra nước ngoài, chưa am hiểu văn hoá sở tại, hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ bản địa hay nói tiếng Anh, việc nhóm khách này gây ra nhiều phiền toái là điều không thể tránh khỏi. Những mẩu chuyện như vẽ bậy ở di sản hàng nghìn năm tuổi ở Ai Cập, trèo cây vặt hoa anh đào ở Nhật Bản, khạc nhổ bừa bãi ở nơi công cộng, hay cho con đi vệ sinh ngay trước cửa hàng hiệu…tạo ra không ít sự khó chịu cho người bản địa ở những nơi khách Trung Quốc đến.
Ngay cả người dân và nhà nước Trung Quốc cũng thấy xấu hổ về những hành vi đó, dẫn đến việc tạo ra bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch Trung Quốc. Người vi phạm có thể bị cấm đi du lịch trong 3 năm. Một sinh viên Trung Quốc ở Thái Lan còn viết một cuốn sách gọi đồng bào bất trị của mình “những con lợn sổng chuồng”. Chính quyền Trung Quốc gần đây phối hợp với Ý và Pháp để cho phép cảnh sát của mình tuần tra tại các điểm du lịch nổi tiếng ở hai quốc gia Âu châu nhằm đảm bảo an toàn cho du khách Trung Quốc đồng thời kiểm soát các hành vi của họ.
Nói vậy để thấy hành vi kém văn minh không đại diện cho toàn bộ khách Trung Quốc. Các quốc gia khác có lẽ cũng hiểu điều này, qua đó điều chỉnh chính sách quản lý du lịch theo hướng điều tiết hành vi thay vì trừng phạt một cách không phân biệt.
Ba giải pháp chính được nhiều quốc gia sử dụng là hỗ trợ du khách để giúp họ hiểu quy tắc ứng xử, siết chặt quản lý du lịch và trừng phạt nghiêm minh vi phạm.
Giải pháp đầu tiênđược hầu hết những cường quốc du lịch như Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Thái Lan và Nhật Bản sử dụng. Đó có thể là những cẩm nang về hành xử được phát tại sân bay, bến tàu – xe, khách sạn, nhà hàng,….(Đà Nẵng mới đây đã áp dụng biện pháp này), hệ thống giao thông công cộng dành riêng cho khách Trung Quốc (Thuỵ Sĩ), hoặc là cẩm nang giới thiệu đặc tính của khách Trung Quốc cho người địa phương để họ ứng xử cho phù hợp (Paris, Pháp).
Những sự chuẩn bị chu đáo như vậy chắc chắn sẽ giúp du khách hiểu được quy tắc ứng xử ở nơi đến, ngăn chặn phần nào vi phạm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và nhạy cảm văn hoá. Khi làm tốt nhiệm vụ này, “không biết quy định” sẽ không còn là lý do biện minh cho những vi phạm nữa.
Ở giải pháp thứ hai, cách mà Việt Nam đang khuyến khích sử dụng, là siết chặt quản lý các công ty tổ chức tour du lịch cho người Trung Quốc. Việc chạy đua về giá khiến cho dịch vụ du lịch cho khách Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với thực tế và khiến cho một số hãng lữ hành, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, phải tìm đủ mọi cách để thu hồi vốn. Đây là mấu chốt cho tình trạng lộn xộn thời gian qua, không chỉ làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia mà còn gây thiệt hại cho chính những du khách Trung Quốc.
Với giải pháp thứ ba, cần có hình thức xử phạt nghiêm minh những người vi phạm các quy định đã được thông báo trước. Hình thức xử phạt phổ biến nhất và hiệu quả nhất, là đánh vào tài chính. Mới đây, một du khách Trung Quốc bị phạt đến 1.000 đô la Mỹ sau khi lấy nước khoáng ở công viên Yellowstone (Mỹ) uống.
Thêm vào đó, Việt Nam cần phối hợp thêm với cơ quan quản lý ở Trung Quốc để xử lý các du khách vi phạm. Điều này là khả thi, bởi chính quyền Trung Quốc gần đây liên tục có những chính sách cứng rắn hơn để điều chỉnh hành vi kém văn hoá của du khách, điều mà họ cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh và “sức mạnh mềm” của quốc gia.
Sự “trỗi dậy” của du khách Trung Quốc không khác gì làn sóng du khách Mỹ cách đây chừng 20 năm ở các nước châu Âu. Khi đó, những người Mỹ ồn ào, say xỉn, bừa bãi là ác mộng kinh hoàng của dân châu Âu vốn hoà nhã và thích trật tự. Thầy giáo người Mỹ của tôi ở đại học kể lại, thời điểm đó ông xấu hổ đến nỗi chỉ nhận mình là người Canada khi đi du lịch. Dần dà, người Mỹ đã “văn minh” hơn khi đi ra thế giới bên ngoài nhiều hơn. Tôi tin những vị khách Trung Quốc “xấu xí” rồi cũng sẽ như vậy.
Thêm vào đó, sự “đổ bộ” của du khách Trung Quốc vào Việt Nam, ngoài khía cạnh kinh tế, cần được coi là một cơ hội tốt để chúng ta chấn chỉnh ngành du lịch nhiều tiềm năng nhưng quá lộn xộn trong thời gian qua. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã lần đầu giảm kể từ năm 2009, với ngoại lệ là khách đến từ Trung Quốc.
Một nền du lịch dễ dãi thì sẽ chỉ nhận được những vị khách dễ dãi. Nhìn ra được điều đó, thì chúng ta mới thấy vấn đề nằm ở ngay tự thân mình, chứ không phải ở người Trung Quốc.
Theo Zing