|
Ông Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức đã có một số quyết định bổ nhiệm cán bộ gây “bão” dư luận. |
Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), việc sửa đổi lần này nên tập trung vào những nội dung sai sót đã được chỉ ra. Sửa nhưng không làm thay đổi nội dung về chính sách hình sự; không đưa vào những quy định mới mà chưa được nghiên cứu đầy đủ. Không đồng tình với ý kiến trên, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) xin tranh luận, đề nghị không nên có quan điểm trên.
“Vừa qua dư luận rất bức xúc trước tình trạng lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm. Đã có những trường hợp xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vụ việc Trịnh Xuân Thanh. Mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành đã có những quy định một số tội lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều nào quy định về loại tội lạm dụng quyền lực, làm trái các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Như vậy để kịp thời đáp ứng các yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tội danh cụ thể trên vào dự thảo luật để răn đe, trừng trị đối với nhóm hành vi nguy hiểm trên”, ông Giang đề nghị.
|
Việc lạm dụng quyền lực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở một số nơi đang gây bức xúc trong dư luận. |
Tăng mức xử phạt tội phạm môi trường, thực phẩm
ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, hiện nay các tội phạm liên quan đến môi trường thường phạm vi ảnh hưởng rất lớn, gây bức xúc, gây điểm nóng trong xã hội, cần phải được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dự thảo lại đưa ra các hình thức xử phạt không mang tính răn đe.
“Một số sự cố về môi trường chúng ta thấy hậu quả không chỉ trước mắt, mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống lâu dài cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, trong Điều 35, quy định tội gây ra ô nhiễm môi trường hình phạt nặng nhất chỉ phạt 10 tỷ đồng và 7 năm tù, như thế chưa thỏa đáng, tôi đề nghị tăng mức hình phạt để răn đe, nếu không rất nguy hiểm”, ĐB Thể đề nghị. Về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, với quy định mức hình phạt cao nhất 2 tỷ đồng và 10 năm tù, theo ĐB Thể, không khéo nước ta sẽ trở thành bãi rác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, lấy ý kiến sâu rộng để thảo luận, bảo đảm tối đa chất lượng của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi trước khi trình Quốc hội thông qua. |
Cùng đề cập tội phạm môi trường, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, quy định chưa chặt, mức xử phạt chưa nghiêm. Ngoài ra ĐB cũng đề nghị luật cần quy định hồi tố hoặc cộng dồn số lần xả thải ra môi trường để các quy định của luật chặt chẽ, bảo đảm khi phát hiện xử lý đúng tội, công bằng và mang tính khả thi cao.
Liên quan an toàn thực phẩm, ĐB Thái Trường Giang cho rằng, vấn đề này đang được dư luận rất quan tâm. “Sức khỏe của con người là vô giá nên cần phải tuyên chiến với tội phạm này, trong đó cần xử phạt ở mức chung thân, thậm chí là tử hình. Chứ quy định hình phạt ở mức 20 năm là không phù hợp”, ông Giang nói.
Có nên răn đe trẻ em bằng hình sự?
ĐB Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị xem xét lại quy định không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
“Thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng, vì vậy cần phải xử lý hình sự để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe”, ông Tuyết nói và đề nghị giữ nguyên như quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) cho rằng, ở độ tuổi này, trẻ vẫn chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định hành vi của mình. Điều quan trọng hơn là môi trường sống của các em chưa thực sự an toàn. Nhiều văn hoá độc hại, nội dung kích động bạo lực tác động đến các em, thậm chí có bé gái chỉ vì “câu like” trên Facebook đã sẵn sàng mang xăng vào trường để đốt.
“Chúng ta nói trẻ phạm tội đã đến mức báo động nhưng khi nói đến vấn đề nhân văn, tôi không ủng hộ việc răn đe trẻ bằng cách đẩy trẻ vào con đường chịu trách nhiệm hình sự”, bà Hoa nêu quan điểm.
Giải trình trước những ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình và báo cáo Chính phủ. Đi vào những vấn đề cụ thể về phạm vi sửa đổi, ông Long cho rằng, buộc phải sửa đổi vì có những sai sót về mặt kỹ thuật, nội dung. Tuy nhiên, việc sửa đổi lần này không đụng đến các chính sách lớn về hình sự.
Theo Tiền Phong