“Năm tới sẽ là thời điểm tốt nhất để thăm Mỹ. Còn bây giờ, tôi nghĩ ông ấy không nên đi vì những lời chỉ trích Washington nặng nề (vẫn chưa lắng xuống)” – ông Cabalza nói với mạng lưới truyền hình ABS-CBN hôm 28-10.
Vị tiến sĩ này còn gợi ý thời điểm lý tưởng để nhà lãnh đạo Philippines thực hiện chuyến thăm là sau tháng 1-2017. Lúc đó, Mỹ đã có Tổng thống mới.
Trước đó, hôm 26-10, nghị sĩ Harry Roque cũng khuyên ông Duterte nên cân nhắc thăm Mỹ. Ông này lo ngại Washington sẽ lật đổ Tổng thống Philippines nếu ông Duterte tiếp tục tỏ ra chống đối.
Theo ông Roque, cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrada đã bị đảo chính vào năm 2001,sau khi ông không nghe lời cố vấn của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton về việc ngừng cuộc chiến tổng lực với nhóm vũ trang Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro ở Mindanao.
Tổng thống Duterte thăm TP.Yokohama - Nhật Bản hôm 27-10. |
Về chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 3 ngày gần đây, ông Cabalza cho rằng đó là động thái tốt nhằm trấn an Nhật Bản trong bối cảnh Manila và Tokyo đều đang tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh (Philippines là bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, còn Nhật Bản là quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông).
Nhận xét chuyến thăm tới Nhật Bản là một trong những khoảnh khắc quyết định kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức ngày 30-6, ông Cabalza tin rằng Nhật Bản thích hợp để trở thành quốc gia cân bằng những vấn đề hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc trong quá khứ, đồng thời giúp nâng cao quan hệ đối tác chiến lược giữa Manila và Tokyo.
Các quan chức Philippines cho biết các công ty tư nhân Nhật Bản đã cam kết đầu tư 1,85 tỉ USD vào Philippines bên cạnh khoản vay và viện trợ 162 triệu USD của chính quyền Tokyo.
Song song đó, ông Cabalza cũng ca ngợi Tổng thống Duterte đã làm rõ quan điểm của mình về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực.
“Hai nhà lãnh đạo Philippines – Nhật Bản đã khẳng định tầm quan trọng của việc tự kiềm chế và phi quân sự hóa Biển Đông. Điều đó rất tốt vì chúng tôi đang nhìn thấy ánh sáng trong chính sách đối ngoại độc lập do Tổng thống Duterte khởi xướng” - ông Cabalza nói.
Ông Duterte tại căn cứ của cảnh sát biển Nhật Bản ở Yokohama. |
Ngư dân Philippines quay lại Scarborough Trong một diễn biến khác, ngư dân Philippines hôm 26-10 đã tự do đi thuyền vào bãi cạn Scarborough (Manila gọi bằng tên Panatag) mà không bị cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn. Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012. Tổng cộng 8 nhóm ngư dân Philippines đến từ tỉnh Zambales đã vào bãi cạn Scarborough. “Chúng tôi nhận được thông báo qua vô tuyến rằng một số ngư dân của chúng tôi đã có thể tiếp cận bãi cạn. Cảnh sát biển Trung Quốc không chặn tàu thuyền của họ” – thuyền trưởng Aniceto Achina, 40 tuổi, nói với báo Inquirer. Reuters cũng đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 28-10 cho biết các tàu Trung Quốc không còn xuất hiện ở bãi cạn Scarborough. Ông Lorenzana nói: “Từ 3 ngày trước, không còn tàu, lực lượng cảnh sát biển hay hải quân của Trung Quốc ở khu vực Scarborough. Nếu tàu Trung Quốc đã rời đi, điều đó có nghĩa là các ngư dân của chúng tôi có thể tiếp tục đánh bắt ở khu vực này.” Ông Lorenzana không nói vì sao tàu Trung Quốc lại ngừng việc phong tỏa kéo dài 4 năm qua đối với bãi cạn này. Tuy vậy, theo Reuters, một người phát ngôn của quân đội Philippines trước đó nói tàu Trung Quốc "vẫn ở đó". Một số ngư dân thông thuộc khu vực này cũng nói thế, Tổng thống Duterte trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tuần trước đã thảo luận về việc cho phép ngư dân Philippines đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough. Hôm 23-10, khi đến thăm đảo Luzon bị bão tàn phá, ông nói ngư dân Philippines có thể quay trở lại bãi cạn nhưng lưu ý không chắc Trung Quốc sẽ giữ lời hứa. |