|
Buổi sáng sớm và đời sống của người dân ven sông Mái Dầm vào mùa nước dâng |
Bạn nói xưa nhà ông bà nội ở ven sông Mái Dầm. Đất bờ lở riết nên "thụt dần vô trỏng". Đi đò từ bến Ninh Kiều xuống mấy tiếng. Rồi xuống bến chợ Mái Dầm chờ người trong nhà bơi ghe ra đón. "Xa mút chỉ".
Giờ thì khỏe ru. Tuyến tỉnh lộ 925 nối trung tâm thị trấn Mái Dầm với xã Phú Hữu. Vô tới Phú Hữu là bà con quen rồi. Muốn chạy xe băng vườn hay gửi xe đi xuống kiểu nào cũng được. Quanh quanh chút là tới Phú Xuân rồi vô ấp. Bạn còn người anh bà con ở đó.
1. Tranh thủ còn mạng, tôi "tra": thị trấn Mái Dầm có chợ Mái Dầm thuộc huyện Châu Thành, Hậu Giang. Một vùng nông thôn đang phát triển. Sau đó thì phó mặc bạn chạy quanh những con đường nhỏ lòa xòa bóng cây nào chuối, mận, dừa, mít, xoài... và mương nước.
Nước lênh láng khắp nơi, trong những khu vườn, bên cầu và những đoạn bạn kêu "co chân lên, đoạn này toàn nước".
Nhà bạn chở tôi đến là một căn nhà quê, ngó ra mé sông, có cái bến cho ghe thuyền cặp và cánh phụ nữ ra sông làm cá, rửa chân... Chủ nhà là anh Tám Thành, thầy giáo về hưu. Chào qua chào lại, tôi được biết bạn với chủ nhà là bà con.
Anh Tám nói tôi đi tắm rồi chờ ăn cơm. Nhà tắm gạch men có hồ chứa nước, nước bơm từ sông, qua máy lọc mới xài. Đang mùa mưa nên ngoài hè đầy thau chậu lu hủ để hứng nước mưa xài thêm.
Ngồi uống nước dừa mới bẻ trên bộ ván, bạn rành rọt: "Lát coi nước dâng".
Anh Tám cười lặng lẽ: "Ba năm rồi miệt An Giang không có lũ về. Chỗ mình gần sông nước cũng lé đé. Ai dè năm nay mưa bão, nước lớn quá chừng. Mấy con lộ ven sông lở hết, phải chờ mùa nắng sửa lại. Giờ là cứ chiều tối với rạng sáng là cho con nít lên cao. Không cho phụ nữ đi xe máy kẻo không biết đường hụp chân té. Mỗi ngày cứ đều hai con nước".
|
Tranh thủ có nước lớn về, người dân xung quanh bắt cá bằng cách thả lưới, thả đáy |
|
Sông quê mùa nước dâng |
|
Dù ít hơn xưa nhưng dòng nước dâng này vẫn mang về phù sa |
2. Quả vậy, chạng vạng tối, từ trong nhà đã thấy nước róc rách tràn vô. Cứ nhè nhẹ lên, qua lút cái cầu ngoài bến và tràn vô giữa sân.
Anh Tám vẫn cười cười: "Tới đó thôi à. Chừng chục năm trước thì tới thềm, con nít tha hồ đóng bè chuối bơi khắp nơi trong vườn. Gà leo cây hết. Muốn xem cá thòi lòi thì tắt đèn, nhẹ nhẹ soi đèn pin, tụi nó theo nước nhảy soi sói. Mà cá giờ nhỏ xíu".
Mâm cơm dọn ra, cá điêu hồng chiên, nấu canh cà chua. Khách về không báo trước nên chị Tám ra bè cá nuôi của anh Tám ngoài sông, lựa một hai con to đãi khách.
Sáng sớm còn hơi sương, chị Tám chuẩn bị đi chợ, quần xăn vo lửng bắp chân. Tôi đòi đi theo, chị ừ và dặn: "Chú cứ đi theo tui, coi chừng trợt".
Con đường ra chợ cũng là con đường men theo sông, nhưng lút dưới màn nước lai láng. Nhưng chị nói rạng sáng là rút hết. Đi ngã vườn khô hơn, nhưng phải vòng xa, bà con đây đi quen nên đi ngã nào ngắn nhất cho tiện.
Chợ Mái Dầm nhỏ, bán toàn hàng thành phố đưa xuống. Quán cà phê ngay đầu chợ, cô chủ đang quét lau cái sàn ướt và đẫm nước. Vài hàng quán quanh đó, cánh phụ nữ quét nước, dọn dẹp, lau rửa. Cánh nam giới lo chuyện trét ximăng cái thềm, xây sửa lại mấy cái bục lên xuống.
Chủ nhật nên nhà nào cũng có một hai đứa con nít mắt tròn xoe, cười toe khoe: "Hồi hôm nước vô, lội dậm đã luôn"...
|
Quán cà phê chợ Mái Dầm vẫn duy trì cà phê vợt. Cà phê bột cho vào vợt đặt trong ấm inox, ấm inox đặt trong một siêu đất. Siêu đất luôn được giữ nóng bởi nồi nước sôi bên dưới. Khi pha, chủ quán sẽ nghiêng cái siêu để rót cà phê |
|
Chú chó có vẻ lo lắng nhìn nước từ từ dâng tràn sân nhà |
|
Đặt lợp theo đường dẫn từ sông vào mương nhà |
3. Bữa cơm trưa hôm đó, tôi được ăn canh chua bông điên điển vàng. Cá thì chị hàng xóm biết có khách nên xách qua cho rổ cá gai. Chị nói sông giờ ít cá tự nhiên, chỉ còn cá nhỏ nhỏ như cá gai, cá ngạnh, cá chốt. Nhưng mà biết làm thì cá gai này ngon hơn cá linh. Còn rau thì là chuối cau luộc.
Anh Tám vẫn cười nhẹ. Mấy cây chuối bị nước ngập đỏ lá, tiếc buồng chuối đang mập, anh bẻ vô cho chị Tám luộc, xắt miếng chấm nước cá kho. Còn cây dừa lát anh dọn lấy củ hủ để chiều trộn gỏi với tôm. Tôm là tôm nuôi trong mương chỗ quay lưới. Toàn cây nhà trái vườn.
Bạn nói mùa mưa cũng là mùa nước dâng quê mình. Cao nhất tháng 10. Nên từ tháng 8 là đàn ông trong các nhà đều bị huy động ra đắp đất, vét mương. Năm nay cũng có ỷ y vì mấy năm nước dâng quá ít.
Mùa nắng vừa qua lại hạn sâu, mưa muộn nên ai cũng nghĩ nước cao cùng lắm chỉ lấp ló. Ai dè trời cho mấy trận bão, mưa lớn nước dâng quá xá. Tội mấy nhà kia, bể bờ, vườn mai úng hết. Mới qua phụ đỡ mà không biết có cứu được để bán Tết.
|
Mớ rau mới hái ngoài rạch |
|
Rổ cá gai (cùng họ cá chốt). Theo lời chị hàng xóm, cá được bắt trên sông trước nhà |
|
Món tép mương um nước dừa |
4. Đi về, lại chạy qua những con đường lầy sũng nước, ẩm thấp bóng cây. Hành trang là đủ thứ anh chị Tám “vét” ngoài vườn.
Bạn nói từ nhỏ đã theo cha từ vườn quê lên thành, nhưng lâu lâu nhớ ruộng lại chạy về, làm nông dân ít bữa rồi lại chạy lên. Mỗi chuyến đi là chắt chiu niềm nhớ.
Nhớ sông, nhớ đất, nhớ mùi khói củi, nhớ những người bà con chơn chất miệt quê, nhơn hậu và đầy tình nghĩa.
Theo TTO