Ngày 28/10, giám đốc FBI gửi thư thông báo cho Quốc hội rằng cơ quan này đang tìm hiểu những email mới phát hiện liên quan đến bà Hillary Clinton có chứa thông tin mật hay không.
Các email này nằm trong nhóm hàng nghìn thư điện tử mà FBI thu thập trong quá trình điều tra cựu nghị sĩ Anthony Weiner (bang New York) về những tin nhắn chat sex cho một thiếu nữ 15 tuổi. Ông Weiner từng là trợ lý của bà Clinton.
Điều này dấy lên khả năng FBI có thể mở lại cuộc điều tra hình sự đối với ứng viên của đảng Dân chủ. Một khả năng khác là sẽ không có phát hiện mới nào được đưa ra và bà Clinton sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Theo New York Times,bản chất của vụ điều tra mới lần này của FBI là để tìm hiểu các email liên quan đến bà Clinton có chứa thông tin mật hay không; chứ họ chưa khẳng định chúng đều gửi đi từ máy chủ cá nhân của nữ ứng viên.
Tuy nhiên, thời điểm thông báo vụ việc mới là điều khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên. Họ so sánh chuyện lần này với vụ bê bối Watergate hồi tháng 10/1972. Khi đó, Tổng thống Nixon phải tuyên bố từ chức. (Dù nó không gây ra hậu quả lớn trong cuộc bầu cử một tháng sau đó và ông Nixon đã tái đắc cử với chiến thắng áp đảo).
Đảng Dân chủ và các quan chức Bộ Tư pháp tỏ ra vô cùng bất mãn khi ông Comey lại thông báo với Quốc hội trước khi chưa điều tra kỹ lưỡng vụ việc. Một quan chức nói rằng cách làm này đi ngược lại quy tắc của Bộ này là không nên để xảy ra bất kỳ hành động nào có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Một quan chức khác của Bộ Tư pháp cho rằng không ai ở FBI hay Bộ này có thể khẳng định các email của bà Clinton chứa thông tin an ninh quốc gia hay các thông tin mật khác.
Còn tạp chí National Reviewgọi quyết định của FBI là “bất ngờ tháng 10”. “Không có lý gì khiến FBI công khai thông báo điều tra lại trước thềm bầu cử nếu các email chỉ bàn về việc tập yoga hoặc thông tin đám cưới”.
Phe Cộng hòa đón nhận "tin sốt dẻo" bằng một thái độ hăm hở. Trong buổi vận động ở New Hampshire, tỷ phú Donald Trump hào hứng thông báo với các cử tri về "tin tức nóng bỏng quan trọng này".
"Sự mục nát của Hillary đã chạm tới ngưỡng mà chúng ta chưa bao giờ chứng kiến. Chúng ta không thể để những âm mưu phạm pháp của bà ấy vào Phòng Bầu dục", ông Trump nói.
Thượng nghị sĩ Reince Priebus của đảng Cộng hòa khẳng định: "Việc FBI quyết định mở lại điều tra hình sự với những email bí mật của bà Clinton cho thấy sự nghiêm trọng của phát hiện lần này". Ông cho rằng ứng viên của đảng Dân chủ cần phải bị hủy tư cách tranh cử.
Từng chỉ trích FBI thiên vị khi không đề nghị khởi tố hình sự bà Clinton hồi tháng 7, nay tỷ phú Trump ca ngợi giám đốc FBI hết lời khi mở lại việc tìm hiểu các email của bà Clinton. |
Giám đốc FBI đùa với lửa
Dù kết quả các email có như thế nào, giám đốc FBI James Comey chắc chắn không thể yên thân. Nếu quả thực nội dung các email không nghiêm trọng thì FBI đã gây tổn hại lớn đến bà Clinton, người đang duy trì thế dẫn trước trong phần lớn các cuộc thăm dò.
Thậm chí, Comey còn có thể bị tố ngược là có các âm mưu chính trị trong một cuộc bầu cử vốn đã đầy rẫy những điều này. Một trong những "thuyết âm mưu" là ông Comey có thể bị tố đối xử không công bằng, hoặc cố tình gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Do vậy, giám đốc FBI được cho là đang đánh cược rất lớn khi có thể thay đổi lộ trình cuộc bầu cử nhưng đổi lại không được gì. Trang Lawfare nhận định “Comey và FBI đang ở trong một tình thế vô cùng tồi tệ”. Còn tờ Atlantic thì tỏ ra thông cảm: “Comey đối diện với một lựa chọn bất khả thi”.
Thế khó của FBI
Lẽ ra Comey có thể chọn không thông báo cho Quốc hội, điều mà ông cũng thừa nhận "tôi không bắt buộc phải làm thế" mà điều tra âm thầm. Tuy nhiên, FBI có nguy cơ bị chỉ trích ém nhẹm thông tin quan trọng nếu chuyện này bị lộ ra sau ngày bầu cử, trong khi vị giám đốc luôn khẳng định "minh bạch" trong quá trình điều tra.
Đêm 28/10, ông Comey quyết định lên tiếng giải thích vì cảm thấy "nguy cơ rất lớn dễ bị hiểu nhầm". Giám đốc FBI nói ông muốn thông báo với Quốc hội vì phải cân bằng nghĩa vụ với các nhà lập pháp, để họ biết cuộc điều tra tưởng như đã kết thúc thì nay lại được tiếp tục.
"FBI không thể khẳng định ngay là các email này quan trọng thế nào, cũng như quá trình tìm hiểu sẽ kéo dài bao lâu", Comey thừa nhận.
Bà Clinton phản ứng nhanh chóng và quyết liệt khi yêu cầu FBI "công bố ngay tất cả thông tin mà ông có. Người dân Mỹ xứng đáng biết sự thật đầy đủ và nhanh chóng". Nữ ứng viên đảng Dân chủ cũng tự tin khẳng định lộ trình bầu cử sẽ không thay đổi vì sự cố này.
Chuyên gia pháp lý Paul Callan của CNN gọi quyết định của ông Comey là "ngu ngốc" và nói vị giám đốc phải từ chức vì sự liều lĩnh này. "Ông ta đã ném một quả bom xăng vào giữa đường đua".
Theo CNN, hậu quả trước mắt từ hành động của ông Comey là các cử tri lại rơi vào vòng xoáy của những đồn đoán và các lời cáo buộc chưa thể xác định căn cứ.
"Do vậy, cái gọi là sự cởi mở và minh bạch của Comey đã đập tan thể diện của ông ta và thanh danh của FBI", chuyên gia Callan của CNN gay gắt nhận định.
Theo Zing