Nguyên lãnh đạo Sở Lao động lý giải 'biên chế 44 cán bộ, 2 nhân viên'

Thứ hai, 31/10/2016, 11:37
Theo ông Lưu Văn Bản, việc mỗi phòng cần 4-5 cấp phó là căn cứ nhu cầu công việc thực tế cũng như để tăng tính trách nhiệm và thuận lợi cho cán bộ về địa phương làm việc.

Việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người làm cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên được lý giải ra sao, thưa ông?

Sở Lao động được biên chế 46 công chức nhưng trước thời điểm tôi đi mới có 45 biên chế, còn trống một vị trí, trong đó có 41 người được bổ nhiệm giữ các vị trí trưởng, phó phòng. Ngoài số biên chế, Sở còn có 9 lao động hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ; 6 người được biệt phái từ các đơn vị trực thuộc về và 20 người được tỉnh cho phép tuyển dụng và bố trí kinh phí trả lương. Như vậy, tổng số cán bộ và nhân viên hợp đồng đang làm việc lên tới 80 người.

Việc bổ nhiệm và tuyển dụng căn cứ thực tiễn nhu cầu công việc. Cụ thể, hơn 10.000 hồ sơ về chính sách tồn tại qua nhiều thời kỳ lãnh đạo mà chưa được giải quyết; kho lưu trữ hồ sơ người có công vô cùng lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ thất lạc tài liệu, mối mọt, cháy nổ; số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ngày càng tăng; thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân rườm rà, mất tới 30 ngày...

Chính từ hàng loạt nhu cầu thực tế trên, tôi đã điều động 9 cán bộ từ các trung tâm trực thuộc về Sở làm việc; đồng thời làm tờ trình xin lãnh đạo tỉnh tuyển dụng thêm 20 lao động.

Nhân sự được tập huấn lại kỹ năng, chuyên môn, thái độ phục vụ. Khẩu hiệu “tiếp dân” được thay bằng “đón dân”; thời gian giải quyết hồ sơ từ 30 ngày rút xuống còn một tuần và chậm nhất là 12 ngày; số hồ sơ tồn đọng được giải quyết dứt điểm; kho hồ sơ lưu trữ được sắp xếp lại; cán bộ tăng cường về cơ sở.

Ngoài trưởng phòng, số lượng cấp phó mỗi phòng thuộc Sở Lao động lên tới 4-5 người, vì sao cần nhiều như vậy?

Tôi thừa nhận số cấp phó như vậy là nhiều, nghe thì thấy rất bất cập, nhưng như đã nói ở trên một phần do xuất phát từ nhu cầu thực tế. Sở Lao động có 9 phòng thì chỉ 6 phòng làm chuyên môn, phụ trách 3 mảng lớn: người có công, lao động việc làm và mảng xã hội (ma túy, mại dâm, trẻ em lang thang…).

Ngoài công việc hàng ngày gồm: tiếp nhận hồ sơ đề nghị từ cấp huyện xã gửi lên, thẩm định, đệ trình lãnh đạo ký; nếu hồ sơ đủ điều kiện thì ra quyết định giải quyết, còn không lại hướng dẫn cơ sở bổ sung, họ còn phải phụ trách địa bàn, đi cơ sở.

Cả tỉnh có 12 huyện và thị xã, nếu một phòng chỉ có một phó thì không thể phụ trách hết được. Do vậy số cấp phó được Sở họp lên họp xuống, rồi quyết định tăng lên 3, lên 4.Việc tăng số cấp phó không phải để những vị này ngồi chơi, hưởng lương mà chính là để tăng trách nhiệm với công việc, mặt khác sẽ thuận lợi hơn so với một nhân viên cấp phòng về địa phương làm việc.

Số lượng cán bộ cấp phòng tăng kéo theo chi phí trợ cấp chức vụ tăng. Khoản tiền đó lấy từ đâu?

Theo quy định, cấp phó phòng được trợ cấp 0,3% so với hệ số lương cơ bản, số tiền không lớn. Mỗi tháng mỗi cán bộ cấp phó chỉ được hưởng vài ba trăm nghìn nên Sở cân đối vào khoản ngân sách mà tỉnh cấp khoán hàng năm để chi trả.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ số lao động trẻ được tuyển dụng trong nhiệm kỳ vừa qua, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là những lao động trẻ đều tốt nghiệp đại học chính quy, có trình độ, chuyên môn, đạo đức tốt. Nếu họ bị chấm dứt hợp đồng thì là một việc đáng tiếc, nhiều công việc của Sở sẽ bị bỏ trống. Và tôi tin áp lực của nhân dân với ngành này sẽ tăng lên. Sở Lao động tỉnh Hải Dương đang quản lý, chi trả chế độ cho khoảng 39.000 liệt sĩ, 21.000 thương binh, trên 8.000 bệnh binh, gần 8.000 người nhiễm chất độc hóa học, hơn 7.000 người hoạt động kháng chiến bị tù đày, hơn 3.000 mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 10.000 thanh niên xung phong…

Tới đây, Chính phủ hay Quốc hội điều chỉnh chính sách thì Sở Lao động Hải Dương lấy đâu ra đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực và trình độ để tập huấn, về hướng dẫn cho các địa phương từ cấp xã, phường.

Có những trường hợp sau 3 tháng tuyển dụng được bổ nhiệm Phó Chánh thanh tra, hoặc xét tuyển viên chức không đúng với bằng cấp chuyên môn tại Trung tâm tâm nuôi dưỡng người tâm thần, người có công... Việc này được lý giải thế nào?

Bà Vũ Thị Thu Hà được tuyển dụng công chức vào tháng 8/2015. Sau 3 tháng làm việc, Sở xét thấy bà Hà có năng lực, đạo đức tốt, làm việc rất trách nhiệm nên quyết định bổ nhiệm bà này giữ cương vị Phó Chánh thanh tra Sở. Còn chuyện xét tuyển người vào làm việc tại trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần không có bằng cấp chuyên môn bản chất câu chuyện chỉ đúng một phần.

Nhiều năm trước, việc tuyển dụng lao động vào làm việc tại trung tâm quá khó vì chỉ nghĩ tới phải chăm sóc người tâm thần mọi người đã chết khiếp. Chỉ những người vì nhiều hoàn cảnh khác nhau buộc họ chấp nhận xin vào đây làm. Sau tuyển dụng, họ sẽ được tập huấn chuyên môn.

Với tôi, công việc phục vụ nhân dân được đặt lên hàng đầu và không có sự phân biệt người lao động lâu năm và người lao động trẻ, miễn sao người đó phải có trình độ, đạo đức, nhiệt huyết. Nếu việc bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự ở Sở Lao động mà bị kiểm điểm, kỷ luật tôi xin nhận hết. Mình làm mình phải tự chịu trách nhiệm.

Theo VNE

Các tin cũ hơn