Một số người miêu tả cuộc bầu cử này là “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”. Bà có đồng ý?
Có và không (nhưng phần lớn là có). Nó chưa từng có tiền lệ theo nghĩa Donald Trump trở thành ứng viên một chính đảng lớn dù ông không được nhóm kỳ cựu của phe Cộng hoà mong muốn. Ông cũng không kinh nghiệm làm trong chính quyền bao giờ.
Đồng thời, Trump có khả năng giữ cho cuộc đua Tổng thống luôn so kè sát sao dù hoàn toàn không có hệ thống chân rết ở các bang chiến trường, thua thiệt hoàn toàn trong chuyện gây quỹ, và quan trọng nhất là luôn là tâm điểm của vô số tranh cãi chính trị mà nếu như thông thường đã chấm dứt ngay số phận các chính trị gia khác.
Khoảng cách giữa Trump và Clinton nới rộng trở lại sau khi FBI nói lại về bê bối email của bà Clinton. Đồ họa: BBC. |
Điều cuối cùng là những người ủng hộ Trump sẽ luôn ủng hộ bất kể ông ta mắc tội lỗi gì. Với những lý do này, tôi nghĩ, cuộc bầu cử này rất khác so với các cuộc bầu cử khác.
Nhưng trong quá khứ cũng đã từng có những chính trị gia dân tuý mà có sự ủng hộ rộng rãi kiểu này – Eugene Debs (1912), George Wallace (1968), Ross Perot (1992) – có gì đó tương tự như Trump đã làm trong 2016. Nhưng Trump thành công hơn rất nhiều.
Cuộc đua chưa ngã ngũ và thực tế là các thăm dò trong vài ngày gần đây đã trở nên sát sao và có lợi hơn cho Trump. Florida giờ đang rất sát, sát hơn rất nhiều so với một tuần trước.
Những thông tin tiết lộ từ WikiLeaks và tuyên bố của FBI về vụ email của Clinton đã khiến cuộc đua không ngã ngũ sớm như thế. Một số cử tri cảm thấy thất vọng vì những thông tin này và không tin tưởng Hillary Clinton hoàn toàn. Nhưng thời gian dường như không kịp để Trump thu hẹp khoảng cách.
Việc Trump đe doạ không tôn trọng kết quả bầu cử, liệu có thể trải qua cuộc đấu dai dẳng như Gore - Bush hồi năm 2000?
Nếu kết quả quá sát, việc tranh cãi như Bush - Gore là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu Trump không tuyên bố thua cuộc thì nó cũng chẳng có ảnh hưởng pháp lý gì.
Cuộc bầu cử năm nay thực tế các đối thủ tranh cãi nhau không phải về vấn đề hay chính sách. Cuộc bầu cử này chủ yếu là về tính cách và các bê bối của ứng viên hơn là các vấn đề thực tế. Giáo sư Franita Tolson |
Liệu có thể dẫn tới bất ổn ở Mỹ sau bầu cử?
Có thể nhưng tôi nghi ngờ điều này. Nước Mỹ đã vượt qua được vụ Bush - Gore và về mặt số liệu thì một kết quả hoà là chưa từng có kể từ 1876 tới nay. Chúng tôi sẽ vượt qua Trump thôi (nếu ông ta thua và từ chối thất bại).
Tình hình ở Florida lúc này thế nào giữa Trump và Clinton? Liệu cuộc chiến có kết thúc với Trump khi ông ta quá thiếu nhân viên và thiếu ngân sách so với phe Hillary?
Florida vẫn để ngỏ mọi hướng. Cuộc chiến chưa kết thúc ở đây và Trump vẫn có thể thắng. Thực tế đây là bang buộc phải thắng và đó là lý do cả hai phe cùng thực hiện liên tục 3-4 sự kiện liền ở bang trong tuần cuối này. Nếu Trump thua ở Florida, cuộc đua sẽ chính thức kết thúc.
Có cách gì giúp Trump thay đổi được xu hướng ở Florida (ủng hộ Clinton)? Đâu là những vấn đề quan trọng nhất sẽ quyết định cuộc bầu cử?
Cuộc bầu cử năm nay thực tế các đối thủ tranh cãi nhau không phải về vấn đề hay chính sách. Cuộc bầu cử này chủ yếu là về tính cách và các bê bối của ứng viên hơn là các vấn đề thực tế.
Trump nhìn vào chiếc mặt nạ mô phỏng mình tại buổi vận động tranh cử ở Sarasota, bang Florida hôm 7/11. Ảnh: Reuters. |
Thông thường các cử tri quan tâm về kinh tế và chính sách đối ngoại – và nếu theo lẽ thông thường đó thì Trump sẽ thua cực đậm ở Florida. Đặc biệt khi mà tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama hiện đang cao, điều sẽ giúp bà Clinton.
Nhưng hiện cả hai phe thường tập trung vào các bê bối của các ứng viên. Đó là lý do khiến cuộc đua vẫn rất cạnh tranh và Trump hiện có cơ hội thắng Florida.
Một số chuyên gia gọi đây như là cuộc chiến của người trắng khi mà họ đang mất dần vị thế đa số ở xã hội này. Rất nhiều đã mất việc vào tay những người thiểu số sau cuộc khủng hoảng 2007-2008. Bà nghĩ sao?
Tôi tin là nhiều người ủng hộ Trump sẽ đồng ý nhận định này. Đây là lý do mà chính sách cứng rắn về nhập cư, “xây tường” (ở biên giới với Mexico) của Trump lại được cử tri ủng hộ. Họ cảm thấy mình bị bỏ ngoài lề bởi các chính trị gia trong nhiều năm và họ nhìn các nhóm nhập cư như là nguyên nhân cốt lõi cho những bất công họ đang chịu.
Người nhập cư lấy việc làm của họ, người Mỹ gốc Phi là bạo lực và dựa dẫm vào chính phủ, các quan chức cánh tả thì không hỗ trợ đủ và chế giễu tôn giáo của họ... Các cử tri cảm thấy xã hội không phản ánh đủ mối quan tâm của họ và họ sẵn sàng thay đổi hệ thống bằng cách ủng hộ một người không biết gì về chính trị như Trump, bất chấp việc ông ta có nhiều vấn đề thế nào.
Họ cảm thấy cả hai đảng đều không chú ý đến mình và đây là cách để họ khiến phe Cộng hoà phải chú ý đến mình hơn.
Người châu Á có nên sợ viễn cảnh Trump trở thành Tổng thống?
Trump không được các nhóm thiểu số ủng hộ và điều này đúng với rất nhiều nhóm nhập cư. Các cộng đồng này sợ rằng chính quyền Trump sẽ dẫn tới các chính sách tổn hại họ trên nhiều lĩnh vực.
Vì ông ta chưa bao giờ thành chính khách, các thông điệp, các tuyên bố đao to búa lớn là tất cả những căn cứ họ có để đánh giá ông ta có phải là lãnh đạo tốt hay không. Và rất nhiều người không thích những gì Trump nói.
Giáo sư Franita Tolson đang giảng dạy tại trường luật đại học bang Florida (FSU). Bà chuyên giảng dạy về luật bầu cử, luật hiến pháp và các vấn đề lịch sử trong luật Mỹ. Bà từng viết nhiều về các chủ đề như gian lận đảng phái, cải cách tài chính trong tranh cử, quyền bầu cử... |
Theo Zing