James Comey từng bị Donald Trump coi là một trong những biểu tượng của tham ô nhũng lạm ở Nhà Trắng. Ông cũng từng được những người ủng hộ bà Clinton xem là quan chức tư pháp Mỹ “liêm chính nhất”. Thế nhưng, kể từ ngày 28-10 vừa qua, ông trở thành nhân vật “khó hiểu nhất” ở thủ đô, một “người hùng” đối với Donald Trump nhưng là kẻ “vô trách nhiệm” đối với bà Clinton.
Lịch sử sự nghiệp chính trị của Comey cho thấy ông là một người “thích đi dây”, thành công lẫn thất bại đều có. Đặc tính này ở ông biểu lộ từ những ngày đầu tập tễnh bước vào nghề điều tra viên.
Ba lần điều tra vợ chồng bà Clinton
Ông James Comey, 56 tuổi, sinh ra ở Jonker, bang New York nhưng lớn lên và học tập (môn hóa học và tôn giáo) ở Allendale, bang New Jersey. Ông lấy bằng tiến sĩ luật của Trường Đại học Chicago năm 1985.
Bắt đầu sự nghiệp ở Văn phòng Biện lý khu Nam New York, Comey từng tham gia nhiều vụ án trọng điểm. Ông có “duyên nợ” với vợ chồng Bill Clinton rất sớm. Ông từng tham gia cuộc điều tra vụ bê bối Whitewater liên quan đến việc đầu tư bất động sản của vợ chồng Thống đốc (bang Arkansas) Bill Clinton, với tư cách là phó cố vấn đặc biệt của Ủy ban Điều tra Whitewater của Thượng viện. Cuộc điều tra rất công phu, làm đi làm lại đến ba lần nhưng không đi đến đâu vì “không đủ bằng chứng” để đưa vợ chồng ông Clinton ra tòa.
Ông Comey còn điều tra vợ chồng Clinton thêm hai lần nữa vào năm 2003 khi Tổng thống Bill Clinton ra lệnh ân xá trùm tài chính quốc tế Marc Rich bị ở tù về tội trốn thuế năm 2001. Đây là một hành vi gây tranh cãi gay gắt diễn ra vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Clinton vì Rich bị nghi ngờ đóng góp tiền trái luật cho quỹ vận động tranh cử của ông Clinton. Năm nay, vụ này tiếp tục bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra song song với vụ “Email gate” của bà Clinton.
Ông James Comey trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ |
“Con ngựa chứng”
Dưới thời Tổng thống Bush, từ chức trưởng Văn phòng Biện lý Khu Nam New York, ông Comey nhảy một phát lên chức Phó Bộ trưởng Tư pháp (tháng 12-2003). Với cương vị này, ông lại có dịp chứng tỏ mình là một “con ngựa chứng” khi công khai chống lại chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), cũng có nghĩa là chống lại chính quyền ông Bush.
The New York Times là tờ báo đầu tiên hé lộ chuyện trên vào năm 2005. Điều này giống hệt câu chuyện bây giờ Comey “bất đồng chính kiến” với cấp trên là Bộ Tư pháp khi bỗng dưng quay ngoắt 180 độ khai quật lại hồ sơ “Email gate” của bà Clinton mà chính miệng ông công khai tuyên bố đã kết thúc cách đây 3 tháng.
Chuyện là vào một đêm, Comey quyết định vào tận bệnh viện nơi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft đang nằm chữa bệnh. Mục đích của ông không phải là thăm hỏi, vấn an thủ trưởng như thường lệ mà là thuyết phục sếp đừng tái ký lệnh cho phép NSA tiếp tục chương trình nghe lén theo chỉ đạo của Tổng thống Bush. Đây là một chương trình mà Bộ Tư pháp và ông Comey cho rằng trái luật.
Rất may, Comey đến trước chánh văn phòng và cố vấn trưởng ông Bush thuyết phục được ông Ascroft không ký gì hết dù bị ép đến đâu. Hôm sau, Tổng thống Bush thay đổi chương trình nghe lén của NSA. Nhân dịp này, ông Comey còn nêu quan điểm riêng khi điều trần trước Quốc hội về vụ việc kể trên vào năm 2007. Theo ông, Bộ Tư pháp cũng như FBI nên đứng ngoài đảng. Một chính kiến riêng mà Comey có dịp thể hiện hôm 28-10-2016 khi ông thông báo nối lại cuộc điều tra vụ “Email gate”.
Năm 2005, chán làm việc cho chính phủ, James Comey rời khỏi Bộ Tư pháp và đầu quân cho Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất của Mỹ. Sau đó, ông lại chuyển qua một công ty đầu tư và phân khoa luật Trường Đại học Colombia.
Tháng 6-2013, Tổng thống Obama quyết định thay thế Giám đốc FBI Robert Mueller. Cái tên James Comey lại được nêu ra dù lúc đó ông là đảng viên Cộng hòa. Ông Obama chọn Comey và được Thượng viện Mỹ phê chuẩn ngày 29-7. Trong số 94 thượng nghị sĩ chỉ có một người bỏ phiếu chống là Rand Paul của bang Kentucky. Ngày 4-9, Comey chính thức trở thành giám đốc FBI thứ 17.
Từ đó đến nay, ông Comey có dịp thể hiện cá tính mạnh mẽ, không ngần ngại làm những chuyện mà mình cho là đúng dù điều này gây tranh cãi dữ dội.
Chẳng hạn, ông Comey từng gây phản ứng mạnh khi kiện Apple lên tòa án tối cao vì công ty này từ chối giúp FBI bẻ khóa chiếc iPhone 5c của một tên khủng bố IS bắt được trong vụ nổ súng giết người hàng loạt ở California tháng 12-2015 để phục vụ công tác điều tra. Ông Comey cho rằng mọi cơ quan an ninh, gồm cả FBI, phải được trao chìa khóa giải mã công ty tư nhân vì lợi ích an ninh quốc gia. Vụ kiện kéo dài từ cuối năm ngoái bất phân thắng bại. Cuối cùng, FBI bỏ cuộc, chi hơn 1,3 triệu USD mướn bên thứ ba bẻ khóa giùm.
Gần đây nhất là chuyện ông Comey khui lại hồ sơ “Email gate” sát ngày bầu cử Tổng thống, gây bất lợi lớn cho ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Hành xử khó hiểu vì nội tình FBI? Tại sao ông Comey “ăn cơm chúa” (Đảng Dân Chủ) lại không chịu “múa”? Theo nhật báo Anh The Guardian, chính nội tình FBI đã khiến ông có hành động khó hiểu. Rất nhiều người trong FBI không ưa bà Clinton. Nhiều quan chức FBI giấu tên nói với tờ báo Anh rằng họ bức xúc trước chuyện sếp Comey không yêu cầu truy tố hình sự bà Clinton vụ “Email gate” hồi tháng 7 dù ông chỉ trích bà không “trung thực”, “cực kỳ bất cẩn”. Một cựu quan chức FBI nói thẳng: “FBI là đất của Trump”. Nhiều nhân viên lẫn quan chức nói công khai họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, lý do là “chúng tôi thừa biết ông Trump không xứng tầm nhưng cũng tin rằng nhà Clinton là ổ tham nhũng.” FBI xưa nay vốn căm ghét tham nhũng. |
Theo NLĐ