|
Báo Anh giật tít lớn trang 1: “Chiến thắng của Trump gây sốc thế giới”. |
Đó là nhận định ngày 9/11 của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy ông Trump bỏ xa bà Clinton nói lên điều gì về xã hội Mỹ?
Kết quả đó là thông điệp cho thấy cử tri Mỹ muốn thay đổi, sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống đảng Dân chủ. Ông Trump không phải là người có nhiều kinh nghiệm, người Mỹ chọn ông Trump không phải vì bà Clinton là phụ nữ, mà vì họ muốn có những điều mới mẻ.
Theo ông, lý do bà Clinton thua là gì dù kết quả các cuộc khảo sát trước đó đều cho thấy cơ hội thắng của bà rất cao?
Đây cũng là điểm rất đáng chú ý, vì những bang then chốt nhất trong các bang chiến trường cuối cùng đều rơi vào tay ông Trump. Tôi nghĩ có một số nguyên nhân. Thứ nhất, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay cao kỷ lục, tác động rất nhiều đến cục diện bầu cử. Tại các bang chiến trường, ông Trump giành được chiến thắng rất then chốt, đặc biệt là bang Florida, Pensylvania, Wisconsin, Ohio, Bắc và Nam Carolina mà đáng lẽ bà Clinton phải giành được.
Ông Trump được đánh giá là người khó đoán. Vậy ông hình dung như thế nào về một nước Mỹ dưới thời một Tổng thống như vậy?
Rất khó nói trước. Nhưng có thể họ sẽ ít cởi mở hơn, thậm chí quay lưng với các tiến trình toàn cầu hóa và các hiệp định tự do thương mại
TS Trần Việt Thái |
Ông dự đoán gì về quan hệ Việt-Mỹ thời gian tới?
Về cơ bản, quan hệ Việt - Mỹ thuận lợi. Tuy nhiên, cách làm của mỗi người rất khác. Tôi từng chứng kiến điều đó. Hiện tại chưa thể nói được gì. Một mình ông Trump không thể thay đổi được cả bộ máy. Khi vận động tranh cử là một chuyện, nhưng khi vào làm việc trong hệ thống lại là chuyện khác.
Tình hình Biển Đông đã thay đổi khá nhiều sau khi Philippines có Tổng thống mới. Sau khi Mỹ có Tổng thống mới, liệu tình hình sẽ tiếp tục thay đổi?
Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đang lo ngại, vì ông Trump từng dọa sẽ rút hết quân đội Mỹ khỏi châu Á, trong khi Nhật Bản đang nỗ lực kéo Mỹ can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu bà Clinton lên sẽ dễ đoán hơn về chính sách, nhưng với ông Trump thì chưa biết sẽ ra sao. Chưa biết nếu ông ấy yêu cầu các nước chia sẻ trách nhiệm thì sẽ chia sẻ như thế nào. Hiện nay, mọi thứ còn đang để ngỏ nên rất khó trả lời câu hỏi về chính sách.
Cảm ơn ông.
Mổ xẻ thất bại của các hệ thống thăm dò Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Jim Butterfield, Giáo sư ngành Khoa học chính trị tại ĐH Western Michigan (Mỹ), cho rằng, kết quả bầu cử Mỹ ngày 9/11 rất đáng kinh ngạc, cho thấy thất bại lớn nhất từ trước đến nay của hệ thống thăm dò ý kiến trong bầu cử Mỹ. Tại sao? Sẽ phải mất một thời gian để tìm ra. Dưới đây là những gì có thể rút ra từ số liệu sơ bộ: Tỷ lệ đi bỏ phiếu (tỷ lệ người dân thực sự đi bầu) trong nhóm người da trắng bảo thủ ở các vùng nông thôn và ngoại ô cao hơn nhiều so với dự kiến. Rất nhiều người trong số họ bỏ phiếu cho ông Trump. Số liệu sơ bộ cho thấy, trong số những người tự coi mình là tín đồ Tin lành, hơn 80% bỏ phiếu cho ông Trump. Với việc ông từng ủng hộ nạo phá thai (sau đó đã thay đổi phát biểu), kết hôn 3 lần, quan hệ ngoài hôn nhân và bị công bố cuốn băng năm 2005 mà trong đó ông khoe khoang về việc sờ soạng phụ nữ, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông không được dự đoán sẽ cao đến thế. Tỷ lệ đi bầu trong cộng đồng người da đen và người gốc Tây Ban Nha thấp hơn dự kiến. Những thành viên trong cộng đồng này nếu đi bầu thì chủ yếu ủng hộ bà Clinton, nhưng số cử tri không đủ để vượt lên nhóm cử tri da trắng bảo thủ. Vì thế, các cuộc thăm dò ý kiến không chính xác. TS Butterfield đưa ra 2 lý do. Thứ nhất, họ không dự đoán đúng tỷ lệ đi bỏ phiếu. Thứ hai, một số người không muốn tiết lộ với các tổ chức thăm dò dư luận rằng họ ủng hộ ông Trump. |
Theo Tiền Phong