Sáng 9/11, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức buổi theo dõi trực tiếp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thu hút sự tham gia của hàng trăm người, trong đó có các nhà ngoại giao, nhà báo và sinh viên.
Trong cuộc trả lời nhanh với báo chí, Đại sứ Osius cho biết, ông không thể dự đoán chính xác chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống mới sẽ như thế nào, nhưng ông có thể khẳng định cả hai đảng chính của Mỹ đều ủng hộ tăng cường quan hệ với châu Á, trong đó có Việt Nam. “Tương lai của Mỹ sẽ gắn chặt với châu Á dù ai trở thành Tổng thống mới của Mỹ”, Đại sứ nói.
Ông Osius cho rằng, chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương sẽ không thay đổi, Mỹ sẽ vẫn ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm rằng các tuyến hàng hải, hàng không trong khu vực đều được mở cho tất cả các bên.
Đại sứ Osius phát biểu về tương lai quan hệ Mỹ - Việt Nam tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Trả lời câu hỏi về số phận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ra sao khi tân Tổng thống phản đối hiệp định này, Đại sứ Osius nhấn mạnh, Tổng thống Barack Obama vẫn tại nhiệm cho đến tháng 1/2017. Tổng thống Obama và chính phủ đương nhiệm quyết tâm thúc đẩy để TPP được phê chuẩn trong năm nay. Dù không kịp làm điều đó, nước Mỹ vẫn có lợi ích mạnh mẽ trong việc mở rộng thương mại. “Người Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nên chúng tôi vẫn tiếp tục muốn thúc đẩy các hoạt động thương mại, buôn bán với phần còn lại của thế giới”, ông Osius nói.
Về những chỉ trích đối với đợt tranh cử lần này, Đại sứ Osius cho rằng, cuộc bầu cử năm nay mang khía cạnh lịch sử ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc lần đầu tiên một phụ nữ trở thành ứng viên Tổng thống, đại diện cho một chính đảng lớn.
Mỗi cuộc bầu cử ở Mỹ đều là dịp để thảo luận những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm, như vấn đề kiểm soát súng, vấn đề chủng tộc hay bình đẳng giới, hợp pháp hóa cần sa… Chỉ riêng một cuộc bầu cử không thể giải quyết hết những vấn đề lớn, nhưng cũng là dịp để hiểu rõ hơn suy nghĩ của người dân Mỹ về những vấn đề họ quan tâm, nói lên mong muốn Mỹ trở thành một quốc gia như thế nào, Đại sứ nói.
Đầu năm sau mới biết chắc kết quả
Đại sứ Ted Osius cho biết, kết quả bầu cử được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chỉ là số liệu ước tính. Ai chính thức trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ phải đợi đến đầu năm sau mới chắc chắn.
Ông Osius cho biết, tại mỗi bang của Mỹ, các quan chức phụ trách bầu cử sẽ kiểm đếm và công bố kết quả bầu cử Tổng thống, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ và các quan chức địa phương khác. Hiện nay, mọi người đều rất quan tâm kết quả bầu cử Tổng thống, nhưng phải đợi đến ngày 6/1/2017, khi Quốc hội Mỹ họp và các đại cử tri mới chính thức xác định người sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo.
Khi kết quả bầu cử được khẳng định chính thức, toàn bộ chính phủ Mỹ sẽ chuẩn bị cho chính quyền mới. Nếu ứng viên nào quan ngại về tính công bằng của cuộc bầu cử thì đều có quy trình để giải quyết những quan ngại đó, ông Osius cho biết.
Đại sứ Mỹ khẳng định, dù ai trúng cử lần này thì vào tháng 1 /2017, chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Sau khi bầu cử hoàn tất, dù ai là người thắng cử thì người thua cử cũng sẽ gọi điện cho người thắng cử để chúc mừng, nhằm khẳng định tính dân chủ của cuộc bầu cử. Ông Osius nói rằng, điều đó khẳng định nền dân chủ quan trọng hơn bất kỳ cá nhân nào.
Các đồng minh châu Á có thể lo ngại Trao đổi với PV ngày 9/11, GS James Borton (Đại học Nam Carolina - Mỹ), nhận định, việc tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể có tác động lớn đến châu Á, khiến nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực này lo ngại. Phải chờ ít nhất đến đầu năm sau mới biết tân Tổng thống Mỹ có quyết sách gì đối với châu Á-Thái Bình Dương, có quyết định giảm sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này hay không. “Tuy nhiên, quan điểm của ứng viên Trump về các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể phá hỏng mối quan hệ và làm mất ổn định sự cân bằng mong manh ở Đông Bắc Á”, ông James Borton nhận định. Theo học giả này, nếu không có một liên minh do Mỹ dẫn dắt, một số nước có thể đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân, phá tan cơ hội gìn giữ một hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, nếu Mỹ bỏ rơi các đối tác châu Á, vấn đề Biển Đông nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp, ông nhận định. Theo ông Borton, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton nỗ lực cảnh báo cử tri Mỹ rằng, ứng viên Trump có thể không được tin cậy là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, nhưng rõ ràng là người Mỹ muốn thay đổi. Vậy người Mỹ và người dân châu Á sẽ nhận được những đổi thay gì? “Liệu ông Trump sẽ xé bỏ các thỏa thuận thương mại hiện hành? Hầu như chắc chắn rằng, TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) sẽ không có cơ hội được thông qua”, ông Borton dự đoán. Ngoài ra, ông Trump có nhiều quan điểm được đánh giá là khác lạ về các vấn đề hệ trọng như nhập cư, NATO, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), quan hệ với Nga, quản lý biên giới với Mexico, áp dụng trừng phạt thương mại với Trung Quốc… Trong khi đó, trao đổi với PV, bà Ngô Tâm (Đại học Nam New Hampshire - Mỹ), cho rằng, ông Trump thắng cử vì cử tri tin rằng “ông ấy sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho công dân Mỹ, loại bỏ chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc ObamaCare, không tăng tiền thuế đối với người đi làm để nuôi những người lười biếng…”. Theo bà Tâm, việc đợt bầu cử và kết quả bầu cử diễn ra kịch tính, bất ngờ là có lý do là tác động của truyền thông khi khai thác sâu sự đối lập về tính cách, quan điểm, phong cách của hai ứng viên. Nhiều cử tri công khai ủng hộ một bà Clinton chỉn chu, nhưng nhiều người khác lại âm thầm ủng hộ một Trump “đanh đá cá cầy”. |
Theo Tiền Phong