|
Trung tâm TP.HCM trở nên chật chội vì lưu lượng ôtô ra vào quá lớn. |
Trưa nay, 22/12, ông Lâm Thiếu Quân, giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) cho biết đã làm việc với Sở GTVT TP.HCM khởi động lại đề án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm.
“Sở GTVT yêu cầu hoàn chỉnh, bổ sung ba nội dung quan trọng trong đề án là mức thu, công nghệ thu phí và cơ sở pháp lý của việc thu phí”, ông Quân nói.
“Sau nhiều năm, nếu muốn khởi động lại thì phải nghiên cứu kỹ, chứ không thể thấy kẹt xe là đưa ra áp dụng bởi hiện nay lượng xe thay đổi, công nghệ thay đổi, tình hình kinh tế cũng thay đổi so với bốn năm trước”. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông |
ITD là đơn vị đã được UBND TP.HCM giao lập đề án thu phí ôtô vào trung tâm từ năm 2012. Đề án này đã được lấy ý kiến các sở ban ngành nhưng sau đó bị gác lại vì nhiều lý do.
Theo đề án năm 2012, cổng thu phí tự động sẽ được xây trên các tuyến đường vào trung tâm. Cụ thể, 36 cổng thu phí tự động sẽ được xây trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Tại cổng sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe.
ITD đề xuất mức thu phí ô tô vào nội ô là 30.000 đồng/lượt đối với xe du lịch, 50.000 đồng/lượt với các loại xe còn lại (thu chiều đi vào, chiều đi ra không thu). Xe buýt và xe công vụ được miễn thu phí. Mức thu sẽ điều chỉnh tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm trong khung giờ từ 6 - 20h hàng ngày và do HĐND thành phố quyết định.
|
Các phương tiện nối đuôi "vượt ải cầu Bình Triệu 2" |
Về công nghệ, việc thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM sử dụng công nghệ tự động không dừng. Các vị trí thu phí sẽ lắp camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe ôtô. Các chủ xe phải tự lắp thiết bị nộp phí tương thích với thiết bị thu phí tự động qua các trạm thu phí không dừng. Hệ thống thu phí tự động sẽ tự động trừ tiền vào tài khoản chủ xe hoặc trừ vào số tiền mà chủ xe đã nộp sẵn trong thiết bị. Thiết bị này đang bán trên thị trường với giá khoảng 50.000 đồng/thiết bị.
Trường hợp các xe không lắp thiết bị thu phí thì khi đến trạm hệ thống sẽ báo xe không qua được. Xe đã lắp thiết bị nhưng chủ xe không chịu trả phí thì hệ thống camera sẽ chụp lại biển số xe. CSGT sẽ căn cứ vào hình ảnh để xử phạt nguội.
|
Khu vực dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm. |
Theo đề xuất của ITD, khu vực thu phí được bao quanh bởi các tuyến đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường CMT8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 1.200 tỷ đồng. Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), dự án được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Mục tiêu của đề án hướng đến là kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô. Thu phí để các lái xe cân nhắc không vào trong trung tâm nếu không thực sự cần thiết.
Đại diện Sở GTVT thừa nhận việc triển khai đề án thu phí còn nhiều trở ngại. Ngoài phản ứng của người dân, các khó khăn về mặt pháp lý, giá vé, chế tài, chủ đầu tư dự án phải tính đến việc bố trí bãi đậu xe, việc trung chuyển người đi vào trung tâm.
Muốn triển khai đề án, TP.HCM phải báo cáo Trung ương. Để tạo sự đồng thuận từ phía người dân, Sở GTVT sẽ nghe ý kiến người dân, phản biện của các nhà khoa học và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM.
|
Cả hai chiều đường Tôn Đức Thắng (quận 1) kẹt cứng phương tiện |
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc thu phí vào trung tâm thành phố đã được tính từ lâu nhưng do không khả thi nên không triển khai. Sau nhiều năm, nếu muốn khởi động lại thì phải nghiên cứu kỹ, chứ không thể thấy kẹt xe là đưa ra áp dụng bởi hiện nay lượng xe thay đổi, công nghệ thay đổi, tình hình kinh tế cũng thay đổi so với bốn năm trước.
Hiện nay, điểm nóng kẹt xe của TP.HCM không phải là trung tâm mà là các khu vực cửa ngõ như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 4, Tân Phú. Chuyên gia Phạm Sanh cho biết mô hình thu phí ôtô vào trung tâm đã thất bại tại nhiều thành phố của Mỹ. Hồng Kông cũng triển khai và nhiều lần ngưng vì không hiệu quả. Chưa có quốc gia đang phát triển nào như Việt Nam thành công khi triển khai thu phí ôtô vào trung tâm.
“Chỉ có Singapore thực hiện thành công. Nước này quản lý quy hoạch đô thị rất chặt chẽ, có hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Khoảng 20 năm trở lại đây mục đích thu phí là để bảo vệ môi trường chứ không phải chống kẹt xe”, ông Sanh lưu ý.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho rằng nếu triển khai thu phí ôtô vào trung tâm thành phố thì sẽ có hiệu quả nhất định và chắc chắn sẽ kéo giảm lưu lượng ôtô vào trung tâm.
Tuy nhiên, việc thu phí sẽ tác động đến nhiều mặt xã hội như sự phiền hà từ thu phí sẽ làm giảm sự hấp dẫn đầu tư vào khu trung tâm, chi phí tăng lên khi đi ôtô hoặc đi taxi sẽ làm tăng chi phí vận tải, đội giá thành sản phẩm và làm hàng hoá giảm sức cạnh tranh và tác động đến đời sống người dân. Do đó, việc thu phí phải có nghiên cứu sâu, điều tra xã hội học.
Theo Tiền Phong