Nếu không kiểm soát được tình trạng phá vỡ quy hoạch, nhồi cao ốc vào nội đô, tình trạng ùn tắc giao thông khó có thể giải quyết. Ảnh: Như Ý. |
Tắc đường đang lấy đi 1/4 GDP?
GS Dương Học Hải (Đại học Xây dựng) cho hay, tình hình ùn tắc tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội ngày càng phức tạp nhưng các biện pháp xử lý hiện nay không hiệu quả, thậm chí không đúng bản chất. GS Học phân tích: Việc Hà Nội phân làn ôtô riêng, xe máy và xe đạp đi riêng là không hiệu quả, thậm chí phát sinh ùn tắc.
“Người đi đường có hai mục tiêu là đi nhanh và đến nơi cần đến nên tại nút giao có người muốn đi thẳng để đi nhanh và người cần rẽ để đến điểm đến. Hà Nội phân làn xe máy với ôtô riêng nhưng đến nút giao, xe lại xung đột, phát sinh ùn tắc hơn việc để đi trộn làn, chạy cùng tốc độ” - GS Hải nói.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Trương Gia Bình nói, ông phải “nếm trải” tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội nên từ lâu phải chấp nhận tự điều chỉnh bằng cách đi sớm về muộn để tránh ùn tắc. Ông Bình đưa ra cách tính: “Mỗi người có 8 tiếng làm việc/ngày. Thời gian đi lại trên đường chiếm đến 2 giờ, bằng 1/4 thời gian làm việc mà không sản sinh ra của cải vật chất, chưa kể mắc thêm các bệnh tật, tốn chi phí chữa bệnh vì ô nhiễm. Nếu không tính đến khu vực nông thôn, tại các thành phố lớn, ùn tắc đang lấy đi 1/4 GDP” - ông Bình nói.
Di dời bệnh viện, trường học: Hơn 10 năm không xong
Tại hội nghị, nhiều kiến nghị chống ùn tắc giao thông được đưa ra như: Tập trung phát triển nhanh giao thông công cộng; đưa các hành lang pháp lý để hạn chế xe cá nhân vào Luật Giao thông đường bộ, áp dụng thu phí đối với xe ôtô vào nội đô, bố trí các cơ quan công sở, doanh nghiệp, trường học làm việc lệch giờ… Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, biện pháp căn cơ nhất là cần quy hoạch đô thị có tầm nhìn và quyết liệt bảo vệ quy hoạch đó.
“Nếu như chúng ta bố trí các khu chức năng như khu đại học, khu chữa bệnh, khu thương mại thành các đô thị vệ tinh thì sẽ tránh được ùn tắc về lâu dài. Tuy nhiên, cái dở của chúng ta là chỉ giỏi những việc bức bách trước mắt nhưng lại “hồn nhiên” trước những việc lâu dài” - ông Trương Gia Bình phân tích.
Cùng quan điểm, đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT - Bộ Công an) cho rằng, giải pháp cần thiết nhất là “giải tỏa” bớt lượng người tham gia giao thông ra khỏi nội đô. “Việc di dời bệnh viện, trường học đặt ra hơn 10 năm nhưng đáng tiếc chưa mấy hiệu quả” - ông Sơn nói.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, tình trạng ùn tắc phải thông qua con đường “văn hóa”. Văn hóa mà ông Tạo đề cập không chỉ là ứng xử giữa những người đi đường với nhau. “Đó trước hết là văn hóa, trình độ quy hoạch và cách quản lý giao thông của các nhà quản lý”.
GS Dương Học Hải nói thẳng: Quy hoạch Hà Nội giờ như mảnh áo vá, có quy hoạch rồi nhưng nay sửa, mai đổi để cao ốc liên tiếp bị nhồi vào nội đô. “Không đâu như Hà Nội, có quy hoạch rồi nhưng có người xin lại bị phá vỡ. Có những khu chung cư có dân cư bằng cả một phường nhưng không đặt ra bài toán giải quyết giao thông. Vì thế, cái cần nhất để chống ùn tắc tại Hà Nội chính là việc chống lợi ích nhóm trong việc lập và quản lý quy hoạch” - GS Hải nói.
|