Để giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố, Sở GTVT TP.HCM đã khởi động lại đề án thu phí ôtô vào trung tâm. Đây là giải pháp đã được trình UBND TP.HCM vào năm 2012, nhưng sau đó bị ngưng.
Khu vực thu phí được bao quanh bởi các tuyến đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường CMT8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. |
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng việc thu phí vào trung tâm thành phố đã được tính từ lâu nhưng do không khả thi nên TP.HCM không triển khai. Đến nay, Sở GTVT TP.HCM khởi động lại phương án này thì phải nghiên cứu kỹ, chứ không thể thấy kẹt xe là đưa ra áp dụng.
“Phải nói rõ là nghiên cứu được gì, chứng tỏ được sau khi triển khai thì giảm kẹt xe như thế nào, chứ không phải là thu bao nhiêu tiền. Tiền đó có đủ thuê công nghệ hay không? Hiện nay, lượng xe thay đổi, công nghệ thay đổi, tình hình kinh tế thay đổi so với trước. Phải có nghiên cứu và công khai để chuyên gia, người dân góp ý”, ông Sanh nói.
Đồng quan điểm, PGS – TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng khi tiến hành dự án giao thông nào đó thì cơ quan chức năng cần khảo sát ý kiến người dân và các chuyên gia trong lĩnh vực để xác định tính khả thi. Việc này nhằm tránh lãng phí tiền bạc, công sức mà hiệu quả không cao. Cơ quan chức năng cần có biện pháp cập nhật liên tục nhật ký lượng ô tô ra vào thành phố để có điều chỉnh phù hợp.
Các chuyên gia giao thông cho rằng cần phải có nghiên cứu sâu để đánh giá tác động xã hội cũng như tính hiệu quả của việc thu phí ô tô vào trung tâm thành phố |
Theo chuyên gia Phạm Sanh, trên thế giới chỉ có một số nước làm mô hình thu phí vào trung tâm thành công, tiêu biểu là Singapore. Song, Singapore quản lý quy hoạch đô thị chặt chẽ và tiến hành từ lâu. Trước đây, mục đích giảm ôtô vào trung tâm là chống kẹt xe nhưng khoảng 20 năm trở lại đây mục tiêu là thu phí để bảo vệ môi trường. “Nhưng phải lưu ý là Singapore có hệ thống giao thông công cộng rất tốt”, ông Sanh nhấn mạnh.
Ông Sanh cũng dẫn chứng mô hình thu phí ôtô vào trung tâm đã thất bại ở nhiều thành phố của Mỹ; hay như Hồng Kông đã triển khai thu phí và ngưng nhiều lần vì không hiệu quả. Ông cho biết, thế giới cũng hạn chế việc thu phí ôtô vào trung tâm vì làm hạn chế sự phát triển đô thị. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển (như Việt Nam) thì chưa có đất nước nào thành công khi thu phí ôtô vào trung tâm.
“Đây là giải pháp giống như đụng đâu nói đó. Phải có nghiên cứu hẳn hoi, phản biện, tranh luận, có tính thực tế, đánh giá tác động chứ không phải bày ra làm. Tiền làm đường cũng là dân đóng góp, thu phí cũng là tiền của dân. Người dân trong khu vực trung tâm thì phải tính giá khác chứ không thể thu đủ 100% như xe bên ngoài… Vì vậy, phải đánh giá tính toán hiệu quả ra sao, tác động ra sao”, ông Sanh nhấn mạnh.
Tuyến đường cửa ngõ vào thành phố thường xuyên xảy ra ùn ứ, đặc biệt là giờ cao điểm. Trong ảnh: đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) |
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng nếu triển khai thu phí ôtô vào trung tâm thành phố thì sẽ có hiệu quả nhất định. Khi bị thu phí thì người ta sẽ cân nhắc nhu cầu của mình có vào trung tâm hay không. Người nào thấy không cần thiết mà tốn tiền thì sẽ không đi ôtô. Lúc đó, lưu lượng ôtô vào trung tâm sẽ giảm xuống rõ ràng.
Tuy nhiên, ông Cương cũng lưu ý rằng, thu phí ôtô vào trung tâm thì tác động đến nhiều mặt xã hội chứ không riêng gì giao thông. “Chẳng hạn như giảm hấp dẫn đầu tư vào khu trung tâm vì người ta thấy phiền hà. Tất nhiên, vấn đề này cần phải có nghiên cứu và điều tra xã hội học. Ngoài ra, chi phí người dân tăng lên khi đi ôtô hoặc đi taxi thì cũng tác động đến đời sống. Do đó, việc thu phí ô tô phải có nghiên cứu sâu”, TS Cương nói.
Chuyên gia Sanh cũng cho rằng điểm nóng kẹt xe của thành phố không phải là trung tâm mà là các khu vực cửa ngõ như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 4, Tân Phú. Nhưng khi người dân cân nhắc không đi ôtô vào trung tâm thì sẽ chuyển sang xe 2 bánh. Vì vậy, chuyên gia Phạm Sanh cho rằng phải xem lại mục đích của việc thu phí ôtô vào trung tâm là giảm kẹt xe hay là thu tiền?
Theo Dân Trí