Điểm “sàn” là không cần thiết
Ngay khi dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 được công bố, đại diện nhiều trường ĐH đồng tình với việc bỏ ngưỡng điểm xét tuyển (còn gọi là điểm “sàn”). Bởi không hẳn vì các trường được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh mà thực tế vài năm gần đây nhiều trường đã xét tuyển bằng đề án riêng mà không cần điểm “sàn” này.
Dự kiến năm 2017 sẽ bỏ điểm "sàn" xét tuyển vào ĐH |
TS. Lê Chí Thông - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cho rằng Bộ GD-ĐT đã cho phép nhiều trường tuyển sinh riêng bằng xét học bạ THPT thì việc bỏ điểm “sàn” cũng là điều hợp lý và công bằng hơn cho thí sinh.
PGS.TS. Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) cũng đồng tình việc bỏ điểm “sàn” ĐH với lý do đó. Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng điểm tích cực của việc bỏ điểm “sàn” là giúp các trường ĐH có quyền tự chủ về chất lượng sinh viên đầu vào. Nếu trường chất lượng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn riêng cho mình để giữ được thương hiệu, uy tín.
Tương tự, ThS. Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng có quan điểm rằng việc bỏ điểm “sàn” ĐH là hợp lý vì hiện nay các trường sử dụng quá nhiều phương án xét tuyển khác nhau nên rất khó có mức sàn chung. Trước những lo ngại việc “mở cửa” cho đầu vào sẽ dẫn đến chất lượng người học thấp thì ông Sơn phản biện rằng: “Những trường muốn giữ vững “thương hiệu” chắc chắn sẽ không hạ thấp điểm. Việc ai tuyển và dạy dễ dãi, thị trường lao động sẽ tự phân loại”.
Không phản đối hay đồng tình với điều trong dự thảo quy chế tuyển sinh Bộ GD vừa đưa ra, nhưng TS. Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho rằng những năm trước điểm “sàn” mang ý nghĩa vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa định hướng phân luồng thí sinh. Nếu bỏ điểm “sàn”, nhiều em sẽ cố vào một ngành nào đó ở bậc đại học thay vì chọn các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Khi đó, thí sinh sẽ không phát huy được năng lực của mình, nhiều người phải bỏ học giữa chừng.
Nếu bỏ quy định điểm “sàn” thì Bộ GD-ĐT phải cân nhắc đến thực trạng trên và có biện pháp phân luồng thí sinh thích hợp. Các trường đại học cũng cần có những khuyến cáo với thí sinh để các em không mơ hồ về tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra ở các ngành học.
Trường Cao đẳng không còn nguồn tuyển?
Những ngày qua, sau khi Bộ GD công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017, lãnh đạo rất nhiều trường CĐ đã chia sẻ với nhau nỗi lo về nguy cơ một mùa tuyển sinh “thất bát“ trong năm tới.
TS. Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt nêu ý kiến rằng: “Các trường CĐ rất lo lắng sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017. Không riêng vấn đề bỏ điểm sàn mà với cách xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, đồng thời không quản chỉ tiêu của các trường ĐH nữa mà sẽ quản điều kiện chất lượng đầu ra. Đặt một giả thuyết vì không hạn chế điểm “sàn” nên một học sinh cứ tốt nghiệp THPT là có thể vào đại học được. Lúc đó chắc chắn chất lượng đầu vào sẽ có vấn đề”.
Trường CĐ lo lắng sẽ "chết" với dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 mà Bộ GD-ĐT đưa ra |
Bên cạnh đó, theo ông Thành, “nguồn tuyển cũng như mọi năm với khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng bây giờ cánh cửa vào ĐH mở rộng dễ dàng như thế thì tất nhiên thí sinh sẽ chọn vào ĐH và tất nhiên nguồn tuyển của các trường CĐ sẽ hẹp lại”.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng trường CĐ Quốc tế TP.HCM cho rằng: “Mấy năm gần đây, tình hình tuyển sinh CĐ, trung cấp (TC) ngày càng khó. Lý do không phải tại bản thân các trường mà xuất phát từ chính cơ chế chính sách mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Bộ GD đã quá ưu ái cho các trường ĐH khi chỉ tiêu càng lúc càng phình ra trong khi đó việc xét đầu vào ngày dễ. Các năm trước còn có chút rào cản là điểm “sàn” nhưng theo dự thảo quy chế năm 2017 đưa ra thì hoàn toàn không còn rào cản nào và gần như 100% thí sinh đều sẽ vào ĐH, như thế chẳng khác nào giết chết các trường CĐ, TC”.
Theo ông Lý, năm nay Bộ GD giao tự chủ trong xét tuyển cho các trường nhiều hơn, kèm theo đó là không quy định chỉ tiêu như vậy thì chắc chắn thí sinh sẽ “chạy” vào ĐH hết. Hậu quả của điều này sẽ rất nặng nề, vài năm sau nữa sẽ có tình trạng người học xong ra trường sẽ không có việc làm vì xã hội không thể đáp ứng đủ việc làm cho đội ngũ cử nhân này.
“Theo số liệu thống kê về thị trường lao động việc làm của Bộ LĐ,TB&XH, tính đến quý 2/2016 số lượng sinh viên ĐH thất nghiệp đã là 193.000 trên tổng số 400.000 sinh viên tốt nghiệp. Nghĩa là gần 50% sinh viên tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp và cứ tình hình “mở cửa” tuyển sinh vào ĐH thì tình hình thất nghiệp sẽ càng tăng cao và dẫn đến những vẫn đề bất ổn xã hội nếu Nhà nước không sớm có chính sách can thiệp.
Tôi cho rằng Bộ GD cho phép các trường ĐH muốn tuyển kiểu gì cũng được nhưng phải đưa ra hạn ngạch dựa trên số lượng thực tế xã hội đang cần cho bậc ĐH với sự giám sát của một cơ quan độc lập. Trường ĐH tuyển đủ số lượng theo hạn ngạch đó thôi, số học sinh còn lại sẽ theo học các hệ khác để đáp ứng nhu cầu lao động trực tiếp của xã hội. Như vậy mới có sự hài hoà giữa tự chủ ĐH và giải quyết vấn đề mất cân đối việc làm cho xã hội”, ông Lý ý kiến.
Theo Dân Trí