|
Bệnh viện đa khoa Trí Đức |
Đồng thời Sở Y tế cũng chính thức đình chỉ toàn bộ hoạt động phẫu thuật, thủ thuật, gây mê hồi sức tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, nhằm phục vụ việc xác minh điều tra vụ tử vong hai bệnh nhân là Q.T.M.P (37) tuổi và H.V.T (34 tuổi) ngày 25/12 sau khi gây mê tại bệnh viện này.
Trao đổi với báo chí trưa 26/12, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết hai bệnh nhân M.P và H.V.T mới được tiêm thuốc Atropine 25mg, Midazolam 5mg, Solumedrole 40mg để tiền mê, 15 phút sau có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron.
Sau 30 giây bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại phòng mổ, sau đó chuyển tới Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu khoảng 2 giờ thì tử vong.
Qua báo cáo ban đầu của bệnh viện, bà Hà cho biết hai nhân viên Bùi Thị Kim Oanh và Phạm Thị Hương có mặt trong kíp mổ nhưng không có trong danh sách nhân viên bệnh viện trong đợt kiểm tra cuối 2015. Bệnh viện có trình được chứng chỉ chuyên môn và hợp đồng thử việc với hai nhân viên này.
Bà Hà cũng cho rằng hai nhân viên Oanh và Hương không trực tiếp thực hiện kỹ thuật chuyên môn trên bệnh nhân bị tai biến. Tuy nhiên, theo quyết định đình chỉ công việc 10 nhân viên Trí Đức, trong đó có chị Oanh và chị Hương thì chị Hương là điều dưỡng viên và có giấy chứng nhận điều dưỡng gây mê.
Về việc vì sao đã xảy ra tai biến mà bệnh viện vẫn tiếp tục gây mê ca thứ hai làm hai người đều chết, bà Hà cho biết hai ca can thiệp này được tiến hành song song tại hai phòng bệnh khác nhau, hai ê kíp khác nhau.
Về khả năng tai biến liên quan tới lô thuốc được sử dụng, bà Hà cho biết gần nhất là ngày 24/12 cũng đã có một trường hợp được sử dụng lô thuốc này tại Bệnh viện Trí Đức để gây mê và bệnh nhân an toàn.
PV đã đề nghị kiểm tra ở các bệnh viện khác cùng sử dụng lô thuốc này, bà Hà cho biết việc kiểm tra thuốc cùng lô ở các bệnh viện khác thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Theo Tuổi Trẻ