Trưa 26/12, bà Hà cho biết lô thuốc gây mê cho 2 bệnh nhân nghi sốc phản vệ trước đó đã được dùng cho bệnh nhân khác và không có tai biến nào. Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức sau khi 2 bệnh nhân tử vong cũng cho thấy điều kiện bảo quản thuốc đảm bảo phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc. Toàn bộ số thuốc trong lô gây mê còn lại này của bệnh viện đã được niêm phong.
Sở Y tế cũng đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê được sử dụng cho hai bệnh nhân trên. Đây đều là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện. Sở đã yêu cầu Bệnh viện Trí Đức rà soát lại toàn bộ quy trình gây mê, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân.
“Đây là những tìm hiểu ban đầu, kết quả khám nghiệm tử thi của hai bệnh nhân sẽ có sau 4 tuần nữa”, bà Hà nói.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội khẳng định, sáng 25/12 chỉ có 2 bệnh nhân được phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức và cả 2 đều bị tai biến chết người sau gây mê. Hai ca mổ gần như được tiến hành song song, với 2 ê kíp phẫu thuật khác nhau. Hai bác sĩ chịu trách nhiệm gây mê ở hai kíp mổ đã làm việc với cơ quan công an và tường trình diễn biến sự việc.
Sở Y tế sẽ lập hội đồng chuyên môn để xem xét hồ sơ đã niêm phong. Với triệu chứng lâm sàng ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ 2 bệnh nhân sốc phản vệ.
Bà Trần Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.A. |
Trong số y bác sĩ tham gia 2 kíp mổ có 2 thành viên không có tên trong danh sách nhân lực thường xuyên làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Theo bà Hà, hai người này gồm một kỹ thuật viên gây mê là điều dưỡng và một người làm công việc rửa dụng cụ. Hai nhân viên này không trực tiếp thực hiện gây mê cho bệnh nhân.
Hai ca mổ gần như tiến hành song song, tại hai phòng với 2 ê kíp khác nhau. Mỗi ê kíp gồm 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kỹ thuật viên và 2 dụng cụ viên. Chỉ 30 giây sau gây mê, cả 2 bệnh nhân đều có dấu hiệu sốc phản vệ. Khi chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bạch Mai, một người tử vong trên đường, một người đến viện trong tình trạng ngừng tim và bác sĩ không thể cứu được.
“Mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Tôi mới chỉ vừa rửa tay để chuẩn bị mổ thì mọi người đã gọi nhau cấp cứu bệnh nhân, sau đó vội vàng chuyển bệnh nhân đi viện cấp cứu", một bác sĩ tham gia kíp mổ bùi ngùi nhớ lại, "Tôi thực sự rất sốc, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bác sĩ gây mê đều là những chuyên gia đầu ngành”.
Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cho biết: “Bệnh viện đang chờ kết luận nguyên nhân tử vong của hai bệnh nhân từ cơ quan chức năng”.
Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Ảnh: L.D. |
Thuốc gây mê có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương để làm mất hoàn toàn ý thức, phản xạ và mọi cảm giác của toàn thân. Nó được chia làm 2 loại: loại hít và tĩnh mạch. Thuốc gây mê là tiến bộ của y học nhưng cũng là con dao hai lưỡi.
Nó có thể có tác dụng phụ như gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não, co thắt phế quản… Vì vậy, khi sử dụng thuốc gây mê thường phối hợp nhiều thuốc có tác dụng khác nhau để tạo ra trạng thái mê cân đối. Muốn xác định nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi gây mê cần tìm hiểu thuốc sử dụng gây mê, quy trình tiến hành gây mê, trình độ người thực hiện…
Sáng 25/12, hai bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức được tiến hành phẫu thuật với hai ca mổ chỉ cách nhau 25 phút. Mỗi kíp mổ gồm 5 thành viên. Bệnh nhân nữ chỉ định phẫu thuật tuyến giáp còn bệnh nhân nam cắt amidan. Cả hai bệnh nhân đều được gây mê nội khí quản, cùng được tiêm các loại thuốc gồm Atropine 0,25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê); sau đó 15 phút sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Chỉ 30 giây sau gây mê, cả hai bệnh nhân cùng có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, song không qua khỏi.
Bệnh viện Đa khoa Trí Đức hoạt động từ tháng 4/2007 với 3 phòng mổ, thực hiện các loại phẫu thuật về ổ bụng, tiêu hóa, sản phụ khoa, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thẩm mỹ...
Theo VnExpress