Công chức xăm hình có phản cảm?

Thứ hai, 26/12/2016, 08:54
"Xăm hình không đánh giá được nhân phẩm con người. Đó thể hiện tính cách, sở thích mỗi người, cần tôn trọng và không nên đánh đồng người xăm hình là ngổ ngáo", một độc giả chia sẻ.

Theo "Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính Hà Nội”, từ 1/1/2017, công chức, viên chức thủ đô không được xăm hình... Thông tin này dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa trong cộng đồng mạng.

Nhiều bạn đọc khẳng định xăm hình là một hình thức nghệ thuật, thể hiện cá tính của mỗi người, không thể đánh giá người đó tốt - xấu, ngoan - hư. Tuy nhiên, một số định kiến cho rằng những người đi xăm hình thuộc dạng hư hỏng, địa vị thấp kém, không có học thức...

Xăm hình thể hiện cá tính

Xăm hình ở Việt Nam là một phong tục lâu đời, có từ thuở sơ khai đất nước. Theo Đại việt sử ký toàn thư, đây là cách người Việt cổ ta làm đẹp, để tránh thủy quái dưới nước, thể hiện tinh thần, ý chí dân tộc chống giặc ngoại xâm. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314).

Hình xăm là hình thức ghi dấu trên cơ thể bằng mực, làm thay đổi sắc tố da với mục đích làm đẹp, gây ấn tượng hay lưu giữ kỉ niệm và xuất hiện rộng rãi trên toàn thế giới. Hiện, xăm hình còn trở thành thú chơi, trào lưu không chỉ hấp dẫn giới trẻ mà còn “lôi kéo” mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.

“Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu", hình xăm không làm nên một con người. Theo đó, nhiều bạn đọc nhận định xăm hình trên cơ thể để thể hiện được cái tôi, cá tính của mỗi người cần được tôn trọng.

"Mỗi hình xăm đều mang một một ý nghĩa riêng, gắn liền với kỷ niệm nào đó. Người ta xăm hình có thể để đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời, thể hiện cá tính bản thân hoặc che khuyết điểm trên cơ thể...", độc giả Anh Lê chia sẻ.

Đồng quan điểm, thành viên Huyền Thương nhận định hình xăm không đánh giá được người đó là tốt hay xấu. Phẩm chất con người phụ thuộc vào hành động, cách cư xử...

Bạn đọc này viết: "Một người không xăm mình chưa chắc là người tử tế. Chúng ta không thể nhìn bề ngoài để đánh giá một con người".

Theo Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính Hà Nội, từ 1/1/2017, công chức, viên chức không được xăm hình... Ảnh minh hoạ: Hoàng Việt - Nhật Ánh.

Những người nổi tiếng như ca sĩ Tuấn Hưng, Đoan Trang, MC Thùy Minh, BTV Trúc Mai luôn tự tin khoe những hình xăm trước công chúng. Không chỉ thế, lãnh đạo một số nước trên thế giới cũng xăm hình.

Cụ thể, Sa hoàng Nga Nicholas II xăm một con rồng trên cánh tay trong một chuyến thăm Nhật Bản năm 1891. Trong khi đó, vua Frederick IX của Đan Mạch có một số hình xăm theo chủ đề hải quân. Gần đây nhất, Thủ tướng của Canada, Justin Trudeau xăm một con quạ trên bắp tay trái...

Trong một lần trả lời báo chí, PSG.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng để đánh giá con người dựa trên một quá trình, không chỉ qua hình thức mà còn nhìn nhận về lời nói, hành động và cách cư xử. Đặc biệt, hành động có văn hóa và đạo đức song song với khả năng đích thực.

Chỉ người hư hỏng mới xăm hình?

Mặt khác, cũng có không ít bạn đọc cho rằng những người xăm hình là hư hỏng, kém hiểu biết, không có học thức...

"Xăm hình là những kẻ chơi trội, đua đòi, không có gì tốt đẹp... Một người tốt đẹp, tử tế sẽ không bao giờ khắc lên mình những hình thù kỳ quái lên cơ thể như thế. Cá tính, nét đẹp thể hiện ở tâm hồn, không phải qua hình xăm", độc giả Trần Thành khẳng định.

Không chỉ thế, nhiều bạn đọc còn mỉa mai, dùng những lời miệt thị dành cho người có hình xăm trên cơ thể như "xăm trổ toàn lưu manh", "loại chẳng ra gì mới như thế", "dân chơi bời, đua đòi xăm hình đó"...

Thành viên Huy Quang thẳng thắn: "Đừng nguỵ biện cho hành động ăn chơi của mình! Việc lưu giữ kỷ niệm hay thể hiện tình yêu có nhiều cách, còn việc xăm hình chỉ là đua đòi với bạn bè, thể hiện ta là dân chơi".

Lý giải về cách nghĩ này, bạn đọc này cho rằng hầu hết tội phạm đều có hình xăm trên cơ thể. Trước đây, anh đọc được thông tin về tổ chức Yakuza – một băng nhóm tội phạm lớn nhất Nhật Bản, các thành viên khắc lên mình những hình xăm kín người theo phong cách Tebori để đánh dấu, nhận biết nhau. Từ đó, anh có định kiến với những người xăm hình.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính Hà Nội” được Sở xây dựng từ năm 2012 và dự kiến được phê duyệt và ban hành ngay vào 1/1/2017.

Bộ quy tắc có 6 chương, 16 điều. Mục đích là xây dựng nền hành chính thủ đô chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả.

Điều quan tâm nhất, từ 1/1/2017, công chức, viên chức thủ đô phải mặc áo có ống tay, cổ áo, mặc váy dài đến gối, không xăm hình, phải sử dụng nước hoa, mỹ phẩm phù hợp...

Theo Zing

Các tin cũ hơn