Đáng nói là thực trạng trên xảy ra khi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM gần đây đã tiến hành hàng loạt giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn!
Bò qua cửa ngõ
7 giờ ngày 23-12, đường Trường Chinh (hướng vào trung tâm TP) ùn tắc nghiêm trọng khi hàng ngàn phương tiện chật kín trên đường. Tại nhiều giao lộ, các loại xe lưu thông hỗn loạn càng khiến tình hình trở nên căng thẳng. Dù tuyến đường này đã được Sở GTVT tổ chức cho xe máy lưu thông vào làn đường ôtô trong giờ cao điểm nhưng tình trạng ùn tắc vẫn không giảm.
Tại đoạn kéo dài từ cầu Tham Lương đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), dòng ôtô phải nhích từng chút trong khi hàng ngàn xe máy luồn lách trước đầu các ôtô hoặc leo lên vỉa hè để chậm chạp lưu thông suốt thời gian từ 7 giờ đến 8 giờ.
Tại nhiều vị trí, ôtô trên đường Trường Chinh liên tục chuyển làn rẽ vào các tuyến đường như Phan Huy Ích, Phạm Văn Bạch… khiến dòng xe phía sau bị khựng lại, bóp còi inh ỏi. Nhiều người đi bộ băng ngang dòng phương tiện đang chạy để đón xe buýt. Theo quan sát của phóng viên, tại những vị trí có đèn giao thông, hàng ngàn phương tiện ùn tắc và phải mất ít nhất 4-5 lần đèn tín hiệu mới thoát khỏi giao lộ.
Ùn tắc trên đường Cộng Hòa những ngày gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM |
Đường Cộng Hòa cũng bị ùn ứ do đây là nơi có nhiều tuyến đường cắt ngang, thu hút một lượng lớn phương tiện từ những khu vực khác lưu thông. “Kẹt xe trên đường Trường Chinh, Cộng Hòa gần đây ngày càng nghiêm trọng, nhất là ngã ba mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa. Trời nắng còn đỡ chứ mưa thì khốn khổ vô cùng” - anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ quận 12) ngao ngán.
Tương tự, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến giao lộ Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) những ngày gần đây thường xuyên bị ùn tắc bất chấp giờ cao hay thấp điểm. “Không hiểu xe ở đâu ra nhiều thế. Né giờ nào cũng kẹt. Qua đoạn đường chưa đầy 1 km mà có khi mất đến 30 phút” - chị Hoàng Hà (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc.
“Chết gí” ở chợ đầu mối
Các con đường đi qua một số khu chợ lớn ở TP như An Đông, Tân Bình, Bình Tây… những ngày này chỉ có thể dùng hai từ để miêu tả cho cảnh ùn tắc nơi đây là: “Chết gí”.
11 giờ ngày 23-12, đường An Dương Vương (đoạn trước chợ An Đông) gần như rối loạn. Hàng rong chiếm dụng vỉa hè, taxi và ôtô đậu hết một làn đường. Trong khi đó, từ 11 giờ đến 12 giờ, lượng phương tiện đổ về chợ An Đông “ăn hàng” tăng dần. Để rồi đến tầm 12 giờ 15 phút, giao thông nơi đây rơi vào hỗn loạn.
Cả tuần nay, chợ Tân Bình luôn náo nhiệt từ sáng đến tối, đồng nghĩa với các cung đường xung quanh rơi vào cảnh ùn tắc.
Ùn tắc ở khu vực chợ An Đông và Tân Bình nghiêm trọng nhưng không nghĩa lý gì so với các cung đường xung quanh chợ Bình Tây. Đặc biệt là đường Tháp Mười (đoạn trước chợ Bình Tây; phường 2, quận 6), kể từ ngày bị trưng dụng khoảng 2/3 mặt đường làm khu chợ tạm thì tình hình giao thông càng thêm rối. Bề rộng mặt đường chỉ đủ cho 1 ôtô và 2 xe máy đi qua nhưng hàng rong lại chiếm dụng khiến dòng phương tiện phải co cụm, di chuyển chậm chạp qua khu chợ tạm. Lối ra của chợ tạm cũng nằm trên đường nên mỗi khi có xe máy chở hàng cồng kềnh chạy ra là dòng lưu thông bị khựng lại.
Thiếu hợp lý và tạm bợ Lý giải cho việc UTGT bất ngờ xuất hiện dày đặc trên các cung đường xung quanh những chợ đầu mối ở TP, một cán bộ ngành giao thông cho rằng vì tiểu thương các tỉnh lên lấy hàng Tết nên phương tiện giao thông tăng cao, dẫn đến ùn tắc là điều dễ thấy. Ngoài ra, xe ở các tỉnh từ miền Tây, miền Đông vào lấy hàng nhiều cũng góp một phần nguyên nhân làm các cửa ngõ ra vào trung tâm TP ùn tắc. Chỉ chấp nhận một phần lý giải của vị cán bộ trên, nhiều người dân sinh sống ở khu vực xung quanh đường Cộng Hòa và Trường Chinh cho rằng nguyên nhân ùn tắc có một phần do cấm xe tải trên nhiều tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (phía quận Gò Vấp). Vì thế, áp lực lại đè lên các tuyến đường xung quanh, trong đó có đường Trường Chinh và Cộng Hòa. Tương tự, người dân ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì khẳng định UTGT xảy ra trầm trọng là vì thiếu hợp lý trong việc tổ chức những nút giao. Cụ thể, tại khu vực giao với đường D5, giao thông tổ chức 2 chiều nên các loại xe từ tuyến đường này lưu thông ra đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và ngược lại khiến ùn tắc thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. Trong khi đó, đường Nguyễn Xí đoạn giao với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh lại tổ chức một chiều, dẫn đến các phương tiện trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khi muốn rẽ trái đều phải chạy ngược đến chân cầu Bình Triệu rồi vòng qua đường Đinh Bộ Lĩnh… TS Nguyễn Hữu Nguyên - chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, nhận định tình trạng kẹt xe hiện nay ở TP không có giải pháp tức thời mà chỉ có các giải pháp mang tính chữa cháy. Nguyên nhân chính là do quy hoạch đô thị bị phá vỡ và tỉ lệ đất giao thông rất thấp so với các đô thị hiện đại trên thế giới. Thêm vào đó, tình trạng nén dân số vào nội thành do các sở, ngành mạnh ai nấy làm khiến ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. “Đơn cử như đường đã hẹp lại xây thêm nhiều chung cư cao tầng, dân số tăng thêm kéo theo phương tiện cá nhân tăng theo, trong khi đất cho giao thông không còn thì kẹt xe là tất yếu” - ông Nguyên dẫn chứng. Cũng theo TS Nguyên, giải pháp tình thế hiện nay là điều tiết xe vận tải cỡ lớn tránh các điểm nóng bằng cách đi theo đường vòng. Sở GTVT có thể nghiên cứu cụ thể về các điểm nóng kẹt xe ở TP rồi cấm xe cục bộ theo địa điểm và thời gian. Cụ thể, đối với các điểm nóng là chợ đầu mối thì chỉ cho phép xe chuyên dùng phục vụ buôn bán, ra vào chợ được phép lưu thông. Còn các phương tiện vận tải lớn khác thì điều tiết đi đường tránh thì sẽ kéo giảm được số lượng phương tiện đi vào các điểm nóng này. Về thời gian, Sở GTVT nên xác định được thời điểm nào có thể gây ùn tắc. Khi xác định được khung giờ ùn tắc ở các điểm nóng, Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng điều tiết phương tiện để giải tỏa áp lực giao thông. |
Theo NLĐ