Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, chủ trương cấm đốt pháo (kể cả pháo hoa) đã thành luật và được thực hiện từ hơn 20 năm qua.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, TP.HCM và 1 số địa phương khác đã xin và được Trung ương cho phép tổ chức bắn pháo hoa trong những dịp lễ lớn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Từ trước đến nay, TP.HCM đều bắn pháo hoa từ nguồn kinh phí xã hội hóa |
Ngày 22/12, trao đổi với PV về chỉ thị không bắn pháo hoa để tiết kiệm, ông Hoan cho biết từ trước đến nay TP.HCM không dùng ngân sách để bắn pháo hoa, trong chỉ thị này cũng không nói đến trường hợp riêng như TP.HCM. Do đó, UBND TP đang báo cáo Thường trực Thành ủy về việc này, đề xuất xin ý kiến Trung ương xem TP.HCM có thể tiếp tục bắn pháo hoa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như từ trước đến nay hay không.
Trước đó, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo, dịp mừng năm mới 2017, TP.HCM sẽ tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp; dịp Giao thừa Tết Đinh Dậu sẽ bắn pháo hoa tại 7 điểm (1 điểm tầm cao, 6 điểm tầm thấp).
Kinh phí bắn pháo hoa tại các sự kiện nói trên sẽ do Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM chịu trách nhiệm vận động xã hội hoá; đối với các quận - huyện, nguồn kinh phí thực hiện từ việc vận động xã hội hoá tại địa phương.
Theo chỉ thị số số 11-CT/TƯ của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017, Ban Bí thư đã quán triệt các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. |
Theo Dân Trí