Cục Bồi thường Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho ông Long

Thứ bảy, 24/12/2016, 09:19
“Chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ ông Hàn Đức Long thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường, cũng như việc tính toán khoản bồi thường mà ông Long sẽ được hưởng dựa trên cơ sở yêu cầu và chứng cứ mà ông ấy đưa ra”.

Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp khẳng định như trên, khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc bồi thường đối với “tử tù” Hàn Đức Long ở Bắc Giang vừa được trả tự do sau 11 năm oan trái.

Sẵn sàng hỗ trợ thủ tục pháp lý

Thủ tục để được hưởng bồi thường rất mất thời gian, trong khi những người bị ngồi tù oan lại có hoàn cảnh khó khăn vậy có cơ chế nào cho họ được tạm ứng trước một khoản tiền bồi thường để ổn định cuộc sống trước mắt? Trả lời PV Tiền Phong về vấn đề nêu trên, ông Trần Việt Hưng cho biết: Theo pháp luật hiện hành, chưa có quy định nào làm căn cứ để cho nạn nhân của án oan được tạm ứng trước tiền bồi thường, tuy nhiên ông Long có thể nhờ Sở Tư pháp Bắc Giang, hoặc Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp hỗ trợ về thủ tục pháp lý để thúc đẩy nhanh các thủ tục yêu cầu bồi thường.

“Chúng tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ ông Hàn Đức Long thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường, cũng như việc tính toán khoản bồi thường mà ông Long sẽ được hưởng dựa trên cơ sở yêu cầu và chứng cứ mà ông ấy đưa ra” - ông Hưng khẳng định.

Theo ông Trần Việt Hưng, cùng với “danh sách” các khoản yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại phải đưa ra các tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ chứng minh thiệt hại và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ phải đi xác minh, đánh giá dựa trên các quy định của nhà nước, kết quả giám định rồi đi đến thương lượng. “Trên cơ sở thương lượng giữa hai bên, thống nhất được vấn đề nào thì nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại đó. Tất nhiên mức đền bù thiệt hại cũng phải xem xét kỹ lưỡng ở mức nào thì phù hợp” - ông Hưng nói.

Sửa luật để có thể tạm ứng bồi thường

Ông Hưng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Bồi thường nhà nước, trong đó có những vấn đề liên quan đến tạm ứng kinh phí cho người bị thiệt hại. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ ban hành mẫu đơn, trong đơn ngoài các nội dung yêu cầu bồi thường thì sẽ có mục đề xuất tạm ứng. Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm quyền sẽ xem xét, cân nhắc những thiệt hại nào có thể tính toán được và được quy định trong luật thì sẽ tạm ứng cho người bị thiệt hại do ngồi tù oan một khoản tiền trong số mà người đó sẽ được nhận.

“Ví dụ, một ngày ngồi tù oan được bồi thường ba ngày lương cơ bản, đấy là cái rõ ràng có thể tính toán ngay được để đề xuất cho người bị thiệt hại được tạm ứng tiền. Đối với những chi phí thiệt hại mà người bị thiệt hại không có hoá đơn chứng từ chứng minh thì chúng tôi cũng sẽ tìm cách khắc phục bằng quy định về chi phí khác. Cụ thể về chi phí khác sẽ được tính toán như nào thì chúng tôi cũng đang cân nhắc. Quá trình sửa luật lần này, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng để có lợi cho người bị hại và tất nhiên cũng phải thuận lợi cho nhà nước” - ông Hưng chia sẻ.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn