Kiến trúc đô thị không phù hợp giao thông công cộng
Theo Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua thành phố thực hiện rất nhiều biện pháp để kéo giảm tình trạng kẹt xe nhưng tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Phương tiện giao thông tăng cao là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. TP đưa vào sử dụng nhiều cầu, tuyến đường mới nhưng so với tỷ lệ tăng phương tiện giao thông thì không đáng kể.
Hàng nghìn phương tiện nối đuối qua cầu Chánh Hưng, quận 8 |
Vấn đề này, chuyên gia Phạm Sanh cho biết, quy hoạch giao thông của TP.HCM đã lạc hậu rồi mà không làm lại. “Muốn làm lại phải có những người thật sự chuyên nghiệp, thuê tư vấn nước ngoài để người ta khảo sát, phân tích và dự báo. Qua đó, họ sẽ đưa ra mô hình, mô phỏng lộ trình hợp lý hơn. Còn bây giờ mình lại đụng đâu làm đó, đụng đâu gỡ đó. Đây chỉ là bài toán trước mắt 1-2 năm, không phải lâu dài”, ông Sanh nói.
Ông Sanh cho rằng, chống kẹt xe mà không biết tại sao kẹt xe mà viện lý do là nhiều xe con, người dân thành phố đi xe nhiều quá là không hợp lý. Hiện nay, cách làm giao thông không phù hợp thực tế nên không giải quyết được bài toán kẹt xe.
Theo chuyên gia Sanh, bài toán kẹt xe ở Việt Nam không giống như thế giới. Lượng xe, dòng xe lưu thông khác, thậm chí tâm lý tham gia giao thông cũng khác. Do đó, không thể áp dụng y nguyên mô hình của nước ngoài mà dựa trên lý thuyết cao siêu và kinh nghiệm của mà điều chỉnh cho phù hợp với thực tế trong nước.
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng bài toán giao thông không phải là bài toán riêng lẻ mà là bài toán chung về đô thị, phải bắt đúng “căn bệnh” nó mới chữa được.
“Căn bệnh lớn nhất của TP.HCM là kiến trúc đô thị không phù hợp với xe ôtô, giao thông công cộng. Bởi vì phần lớn diện tích của TP.HCM là phát triển tự phát từ thời chiến tranh, không theo quy hoạch. Phần lớn là cấu trúc đường hẻm, chỉ có một số khu vực trung tâm thành phố có cấu trúc bàn cờ, có đường ôtô. Những cấu trúc như thế không phù hợp cho giao thông công cộng, mà phù hợp với xe gắn máy”, ông Cương nói.
TS Cương đánh giá, ôtô con gây nguy hại cho giao thông đô thị, nếu phát triển ôtô con lên thì sẽ tắc nghẽn giao thông. Bởi vì cấu trúc đô thị cũng không phù hợp cho ôtô con.
Tuy nhiên, cũng theo ông Cương, ôtô con là phương tiện của đối tượng cần hấp dẫn, như người có năng suất lao động, người đầu tư vào thành phố. Cho nên các chính sách đối với ôtô trong việc giải quyết ùn tắc giao thông cần nghiên cứu kỹ. Nếu không cẩn thận thì giảm năng suất lao động của thành phố.
Giải tỏa ùn tắc ở các nút giao thông
Ông Cương cho rằng, để giải quyết bài toán kẹt xe thì TP nên đầu tư thích đáng hơn nữa cho giao thông, đặc biệt là giải quyết ùn tắc ở các nút giao. Tạo các đường, cầu dành riêng cho xe máy, tách dòng xe máy ra không để trộn lẫn như hiện nay và gây ùn tắc.
“Phải khai thác hết khả năng của TP về đầu tư hạ tầng giao thông. TP cần làm cầu vượt qua các giao lộ, kênh và có thể giải quyết tình trạng ùn tắc. Rất tiếc là tôi không thấy đầu tư theo hướng đó nhiều”, ông Cương nói.
Theo các chuyên gia, cầu vượt sẽ góp phần giải quyết ùn tắc tại các giao lộ. Trong ảnh: cầu vượt Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình |
Đồng quan điểm, chuyên gia Phạm Sanh cho rằng, ở nhiều tuyến đường chỉ cần giải tỏa 1-2 căn nhà hay đoạn đường là thông suốt.
TS Võ Kim Cương cho rằng trước mắt phải tạo điều kiện cho xe gắn máy lưu thông. Về lâu dài, phải cải tạo cấu trúc đô thị như đô thị lớn trên thế giới thì mới hạn chế xe cá nhân. Phải tốn rất nhiều tiền để làm metro, các hệ thống đường bộ đủ mật độ đường (trên km2) theo quy chuẩn. Khi mạng lưới hệ thống giao thông công cộng bao phủ, thuận tiện thì mới hạn chế lưu thông xe máy, khi đó tình hình kẹt xe mới được giải quyết.
Ông Cương cho rằng, một trong những nguyên nhân gây kẹt xe của thành phố là do xây dựng theo quy hoạch tương lai – tức là chưa làm hạ tầng giao thông mà đã cho phép xây dựng các công trình cao tầng, khu chung cư, đó là sai lầm.
“Người ta tới ở mà đường chưa có thì dẫn đến kẹt xe triệt để chứ không phải ùn tắc. Trong quản lý đô thị cần có sự cân đối giữa xây dựng công trình với phát triển giao thông”, ông Cương nói.
Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng phải tập trung vốn, đất đai phát triển hạ tầng giao thông mới giải quyết được vấn đề kẹt xe. Đối với đô thị đặc biệt và đông dân như TP.HCM thì cấp thẩm quyền cần ưu tiên vốn phát triển giao thông.
“Đáng lẽ phải tập trung vốn cho TP để tạo động lực, năng lực mới cho thành phố, cho đất nước. Hiện nay có xu hướng đầu tư dàn trải trên cả nước, dẫn đến thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội tắc nghẽn giao thông vì không đủ kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ người nhập cư. Người dân tỉnh khác đi thành phố làm việc và họ cũng có nhu cầu đi lại và cần phải tính toán, đầu tư cho họ giống như ở địa phương thì tình hình sẽ khác”, ông Cương nói.
Theo Dân Trí