UBND TP.HCM vừa yêu cầu Công an TP nghiên cứu việc áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp khóa bánh xe ôtô đậu sai quy định trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là khu vực trung tâm TP. Đây được xem là biện pháp mạnh tay nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông.
Vô tư chiếm đường
Sáng 2-1, dù đang trong ngày nghỉ Tết Dương lịch 2017 nhưng đường Trần Quốc Thảo, đoạn giao nhau với đường Võ Văn Tần (quận 3), giao thông vẫn bị ùn ứ do ôtô đậu thành hàng dài, chiếm hết một làn đường. Tài xế vẫn để xe nháy đèn xi-nhan mặc dù đậu cả giờ.
Trên đường Trường Sa và Hoàng Sa (kéo dài qua địa bàn các quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình), dù đã có biển cấm ôtô dừng, đỗ ngoài khung giờ quy định nhưng giới tài xế bất chấp, cho xe đậu tràn lan. Trên các đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cũng thế, thường xuyên bị ùn ứ bởi ôtô, taxi chiếm chỗ.
Dù không ở trung tâm TP nhưng đường song hành thuộc phường An Phú (quận 2) cũng thường xuyên bị ùn tắc giao thông do ôtô “nằm vạ”. Dọc tuyến đường này có hàng trăm quán nhậu, nhà hàng, các chủ quán thường “tận dụng” làn xe máy để khách đậu ô tô. Hiếm khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng đến xử phạt vi phạm trên tuyến đường này.
Nói về tình trạng dừng, đậu không đúng quy định, một cán bộ CSGT quận 1 (TP.HCM) chỉ ra ngay những tuyến đường ở khu vực trung tâm TP. Đó là đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Đinh Tiên Hoàng); đường Chu Mạnh Trinh (đoạn từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Thánh Tôn); đường Đồng Khởi, đường Lý Tự Trọng…
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, khu vực trung tâm TP hiện có 77 tuyến đường cấm đỗ xe; 20 tuyến cấm đỗ xe theo giờ và 23 tuyến cấm dừng, đỗ. Bên cạnh đó có 5 tuyến đường được tổ chức cấm dừng, đỗ xe theo giờ và 20 tuyến cấm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ. Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên, tình trạng ô tô dừng, đậu lộn xộn ở các tuyến đường cấm vẫn diễn ra phổ biến.
Cũng theo Sở GTVT TP, hiện khu vực trung tâm TP có 25 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí (khoảng 1.034 chỗ) và 22 tuyến đường không cấm. Tuy nhiên, mức giá thu phí đậu xe dưới lòng đường hiện khá thấp và chỉ tính theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/lượt, không giới hạn thời gian đậu xe. Quy định này góp phần làm mật độ đậu xe dưới lòng đường thêm dày đặc.
TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp mạnh là “cùm” xe đậu sai quy định |
Kiên quyết xử lý
Lãnh đạo Đội CSGT Bến Thành thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết nhiều năm qua, đã áp dụng biện pháp tháo biển số xe và cẩu xe về đơn vị chứ không phải mới đây. Cụ thể, khi phát hiện ôtô vi phạm, CSGT sẽ đứng trước xe đợi chủ phương tiện ra hiện trường để lập biên bản. Nếu quá 10 phút không thấy ai, CSGT có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, như tháo biển số xe, kêu xe cứu hộ đến cẩu đi. Mọi quy trình có sự giám sát của công an khu vực hoặc dân quân tự vệ, tổ trưởng dân phố… Chi phí cẩu xe do chủ phương tiện vi phạm chi trả, với mức thấp nhất 1,2 triệu đồng.
Về biện pháp “cùm” bánh xe, vị lãnh đạo CSGT Đội Bến Thành cho biết lâu nay chưa áp dụng và cho rằng các tuyến đường trung tâm TP nhỏ, hẹp nếu áp dụng biện pháp này dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ, gây ách tắc.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng PC67 - Công an TP.HCM, cho hay hiện chưa nhận văn bản chính thức về chỉ đạo của UBND TP. Tuy nhiên những ngày cuối năm, ở khu vực trung tâm TP, lượng xe tăng đột biến nên lực lượng CSGT đã tăng cường kiểm tra, ghi hình camera để phạt nguội. Về đề xuất “cùm” bánh xe đậu sai quy định, trung tá Phong nói: “Sẽ họp bàn và sớm đưa ra giải pháp cụ thể, tinh thần là kiên quyết xử lý vi phạm”.
Việc áp dụng biện pháp cùm, cẩu xe dừng, đỗ trái phép được giới chuyên gia, người dân đồng tình ủng hộ . Chuyên gia giao thông Phạm Sanh bày tỏ quan điểm: “Ở Việt Nam, nhiều người điều khiển phương tiện cứ muốn đậu đâu thì đậu, rất vô kỷ luật, coi thường pháp luật. Chỉ có làm nghiêm thì mới nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật”.
Cần nhiều bãi đỗ xe công cộng Sở GTVT TP cho biết trong phạm vi bán kính 500m ở khu vực trung tâm (mốc là trụ sở UBND TP), hiện có khoảng 59 công trình cao tầng xây dựng từ 1 đến 5 tầng hầm để xe. Trong đó, dự tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các tòa nhà thì chỉ có thể dành khoảng 20% diện tích đáp ứng được nhu cầu để xe công cộng. Do đó, việc thiếu trầm trọng bãi đậu xe như hiện nay khiến ôtô dừng, đỗ trên đường càng gia tăng và khó kiểm soát hơn. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, song song với áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm vi phạm, TP nên xem xét việc xây dựng, cho mở rộng nhiều bãi đỗ xe công cộng. |
Theo NLĐ