Vài năm trở lại đây, nhiều người dân đang sinh sống tại xã Đăk Rong (Kbang, Gia Lai) thường xuyên vào những cánh rừng, các dòng suối trên địa bàn để đào 1 loại rễ cây mà người Bahnar tại địa phương gọi là Tờ Trung, còn người Kinh gọi là cây na (vì quả giống quả na) để bán cho thương lái Trung Quốc.
Một người dân sống tại xã Đăk Rong cho biết, trước đây, rễ cây na rừng này có rất nhiều ở các cánh rừng, hai bên bờ các dòng suối. Vài năm trước, các thương lái đã vào xã hỏi mua loại rễ này với giá 3.000- 5.000 đồng/kg tươi (tùy từng thời điểm). Lúc đầu, khi cây có nhiều, các thương lái chỉ mua rễ, mà phải là loại rễ nhỏ mới mua, còn các loại rễ lớn, thân và cành không mua.
Sau vài năm người dân vào rừng, suối đào bới rễ na bán cho các thương lái, đến nay loại cây này chỉ còn ở đầu nguồn các con suối và sâu ở các cánh rừng. Vì vậy, các thương lái không còn “kén chọn” nữa mà mua cả thân cây và loại rễ lớn…
Ông Đinh Văn Viên - Phó trưởng thôn làng Kon Bông 1 (Đăk Rong) cho biết, việc người dân vào rừng và các con suối đào, chặt rễ cây Tờ Trung đã diễn ra liên tục hơn 5 năm nay, không ai biết họ mua để làm gì. Người dân chỉ biết có tiền thì họ đi đào bán kiếm tiền, có thời điểm cả làng vào rừng đào rể để gùi đi bán.
Theo ông Viên, rễ cây Tờ Trung có tác dụng như: vào mùa nắng, người dân nơi đây đi rừng không mang theo nước thì có thể chặt thân cây Tờ Trung để lấy nước uống. Chỉ cần chặt 1 thân cây Tờ Trung là đã có nước cho vài người uống, vừa mát mà lại an toàn, không lo bị độc.
Còn đối với các dòng suối, rễ cây Tờ Trung mọc 2 bên bờ suối giúp điều hòa dòng nước đầu nguồn. Khi nước từ đầu nguồn đổ về lớn thì rễ cây sẽ ngăn lực chảy của dòng nước, giúp nước chảy chậm lại; còn vào mùa khô, rễ cây điều hòa nguồn nước, hạn chế sự khô hạn đối với các con suối. Vì vậy, vài năm trở lại đây, sự điều hòa dòng nước của các con suối đã bị giảm đi rất nhiều, vào mùa khô nước ở các con suối giảm đáng kể.
Rễ cây na đang được thương lái Trung Quốc thu mua nhưng không ai biết để làm gì? |
Ngoài 2 tác dụng trên, người dân nơi đây không biết rễ cây Tờ Trung có còn tác dụng gì nữa hay không, người dân nơi đây cũng chưa phát hiện ra rễ cây này có tác dụng chưa bệnh hay tăng cường sức khỏe cho con người. Vì vậy, không ai biết thương lái mua rễ cây này để làm gì? Chỉ thấy có tiền thì đi vào rừng về đào bán.
Một thương lái sống tại xã Đăk Rong cho biết, anh thu mua rễ cây trên từ người dân rồi mang về phơi khô. Sau khi phơi khô thì đóng bao và bán cho thương lái người Trung Quốc. Còn họ mua để làm gì thì anh không biết.
Ông Bùi Trọng Lượng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rong cho biết, việc người dân vào rừng đào rễ na bán là có thật đã diễn ra khoảng 2, 3 năm nay. Chỉ có người dân các làng Kon Trang 1, Kon Trang 2, Kon Bông 1 và Kon Bông 2 là đi đào rễ cây na để bán. Họ thường đi đào vào mùa khô, mùa mưa ít đào vì không phơi được.
Cây na là loại cây sống trong rừng ở tầng thấp, dưới tán rừng. Ở mỗi đầu làng có khoảng 2 con buôn (đầu làng 1 người, cuối làng 1 người) mua trực tiếp của người dân; còn cả xã có 2-3 con buôn gom hàng để bán cho các thương lái ở nơi khác đến. Các thương lái ở đâu đến thì ông không biết, họ mua làm gì và chở đi đâu bán ông cũng không biết.
Ông Lượng cho biết thêm, trong nội địa nước mình thì chưa ai sử dụng cây này, nó có tác dụng gì ông cũng không biết. Hiện tại, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cho xã vận động người dân không được vào rừng chặt rễ cây này nữa.
Rễ cây được phơi rất nhiều tại 1 sân đất ở trung tâm xã Đăk Rong |
Ông Nguyễn Văn Hoàn- Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cho biết, cán bộ, nhân viên của đơn vị ông trực tiếp đóng chân trên địa bàn xã Đăk Rong báo cáo không phát hiện ra người dân vào trong khu vực rừng đơn vị quản lý để đào rễ cây trên. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin của PV báo Dân trí, ông đã yêu cầu Phó giám đốc vườn trực tiếp đi vào rừng để kiểm tra chứ không thể nghe “các anh em” báo cáo được.
Cũng theo ông Hoàn, đơn vị chưa từng chỉ đạo cho nhân viên vào rừng để chặt bớt loại rễ cây trên, muốn chặt bỏ loại cây gì thì phải có văn bản đồng ý của Sở NN&PTNT, và phải có kinh phí để trả công cho nhân viên. “Không ai thần kinh mà vào rừng để chặt các rễ cây cả”, ông Hoàn khẳng định.
Ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, ông chưa nắm được thông tin trên, ông sẽ kiểm tra và làm việc với báo chí sau khi có thông tin. Theo ông An, việc muốn chặt loại rễ cây gì trong rừng thì phải có sự đồng ý của Sở chứ không phải tùy tiện cho người vào chặt như ông Bốn nói.
Theo Dân Trí