Xử lý trách nhiệm cá nhân ở các dự án nghìn tỉ thua lỗ

Thứ sáu, 30/12/2016, 10:21
Thủ tướng khẳng định phải sớm xử lý các dự án thua lỗ để tránh thất thoát thêm tài sản nhà nước, đồng thời xử lý cả trách nhiệm của người đứng đầu lẫn tham mưu đầu tư nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Nhà máy đạm Hà Bắc, 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương

Đó là một trong số 30 nhiệm vụ quan trọng cần làm trong năm 2017 được Thủ tướng đặt ra khi kết luận sau một ngày rưỡi Chính phủ đối thoại trực tuyến với các địa phương vào hôm qua (29.12).

Không quyết liệt sẽ tụt hậu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, năm 2017 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh các yếu tố khó lường của tình hình thế giới thì bản thân nền kinh tế cũng còn rất nhiều điểm yếu. Thủ tướng liệt kê: Đó là việc nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém rất phức tạp, nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần 65%, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), kể cả khối tư nhân còn thấp, ngoài 12 dự án (DA) thua lỗ đã công khai thì còn nhiều công trình khác cũng có vấn đề...

“Trong điều kiện như vậy cần tập trung ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao hơn 2016 và gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh. Nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao được sức cạnh tranh thì chúng ta sẽ tụt hậu, không giải quyết được các thách thức kinh tế, môi trường, đối ngoại, không thu hẹp được khoảng cách phát triển, không thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng thừa nhận.

"Nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao được sức cạnh tranh thì chúng ta sẽ tụt hậu, không giải quyết được các thách thức kinh tế, môi trường, đối ngoại, không thu hẹp được khoảng cách phát triển, không thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trước đó, câu chuyện hàng loạt DA kinh tế lớn thua lỗ kéo dài cũng gây nhiều quan ngại. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, vấn đề hiệu quả của các DN nhà nước vẫn là nỗi lo lớn. Là cơ quan có đại diện tham gia vào ban chỉ đạo xử lý 12 DA thua lỗ của ngành công thương, theo ông Thanh, những công trình này cần được xử lý sớm, mà tốt nhất là trong năm 2017 vì “càng ngâm thì thua thiệt càng nhiều”.

Cùng với đó, vị này cũng đề nghị Chính phủ rà soát mở rộng các DA của những ngành khác đồng thời có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý đồng vốn nhà nước tại Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết các DA còn lại trong 12 DA này đều phải được thanh tra để làm rõ trách nhiệm tập thể lẫn cá nhân liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không chỉ người thực hiện, quyết định DA kém hiệu quả phải bị xử lý mà cả người tham mưu cũng phải liên đới, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, giảm thiểu nguy cơ các DA kém hiệu quả. Thủ tướng bày tỏ, khi quyết định đầu tư một DA bằng tiền thuế của dân thì phải lắng nghe ý kiến người dân, phải suy xét xem nó có hiệu quả không để thể hiện trách nhiệm với từng đồng thuế của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ

Tội phạm núp bóng doanh nghiệp

Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương, kiên quyết chống lợi ích nhóm.

Đáng chú ý, báo cáo trước đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận xét rằng tình trạng tội phạm bảo kê, núp bóng DN ngày càng nhiều, xâm nhập vào rất nhiều quan hệ kinh tế khiến môi trường làm ăn, cạnh tranh của DN bị xâm hại.

Thống kê của Bộ Công an cho biết năm 2016, toàn lực lượng đã triệt phá 1.990 băng, ổ nhóm, tội phạm, trong đó có nhiều băng, ổ nhóm nguy hiểm, núp bóng các công ty, DN để hoạt động chống phá, ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh, hoạt động bình thường của các DN.

“Sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự, kinh tế thông qua các hoạt động kinh tế để thu nạp các đối tượng tiền án tiền sự, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen, siết nợ, đòi nợ thuê để can thiệp vào các hoạt động đấu thầu, các hoạt động kinh tế... đã đe dọa đến an ninh, an toàn và lợi ích của DN”, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận đồng thời liệt kê các lĩnh vực mà các tổ chức tội phạm hình sự thường núp bóng DN để tạo sự không lành mạnh như khai thác khoáng sản, đấu thầu, san lấp mặt bằng, vận tải...

Dẫn lại sự việc mà Báo Thanh Niên mới đây phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng Bộ TN-MT kiểm tra, báo cáo Thủ tướng chứ dư luận, người dân phản ánh tàu hoạt động rầm rầm mà chính quyền nói không biết là “không thể chấp nhận”.

Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm, năm qua, công tác an ninh kinh tế được ngành tập trung chú trọng nên đã kịp thời đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị. Thông qua nắm tình hình, các lực lượng an ninh đã hỗ trợ và cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho các DN lựa chọn đối tác, đặc biệt đối tác nước ngoài, ngành hàng để đầu tư có hiệu quả.

“Từ thực tế trên, mới đây, lần đầu tiên ngành công an đã đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về an ninh kinh tế để chống chệch hướng những diễn biến trong kinh tế và đã được thông qua, dự kiến chỉ thị này sẽ được tổ chức triển khai vào đầu năm 2017”, Bộ trưởng nói.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng được phát hiện trong thời gian vừa qua; phối hợp với Viện KSND tối cao, TAND tối cao sớm đưa ra truy tố, xét xử theo đúng Chỉ thị số 12 ngày 28.4.2016 của Thủ tướng về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc T.Ư tập trung thực hiện nghiêm các quy định của luật Phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là công tác phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn