Làm thêm đường bay, nhà ga để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ năm, 29/12/2016, 15:01
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng hạ tầng khai thác, tăng thêm chỗ đậu máy bay, làm thêm một đường bay, một nhà ga để nâng công suất phục vụ, giải quyết tình trạng quá tải trước mắt trong khi chờ làm sân bay Long Thành - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Phải biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay, 29/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị rà soát quy hoạch các sân bay của Việt Nam.

Theo quy hoạch các cảng hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam có 28 sân bay, với lưu lượng đến 2020 khoảng 70 triệu khách. Tuy nhiên đến nay, ngành hàng không đã thực sự quá tải. Năm nay, lượng hành khách phục vụ đã lên tới con số 87 triệu khách, năm 2017 dự kiến lượng khách còn tăng 10-15%.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu rà soát lại quy hoạch các sân bay tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, đa số các cảng hàng không hiện có đều đã quá tải, kể cả sân bay nhỏ ở các địa phương. Mức quá tải trầm trọng nhất hiện diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Thiết kế tối đa của Tân Sơn Nhất là phục vụ 25 triệu khách/năm (đến 2020) nhưng thực tế, năm nay, lượng khách đã là 32 triệu người.

Quy hoạch rõ ràng không phù hợp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại tổng thể.

Bộ GTVT cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM cũng được lưu ý tập trung sớm hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đẩy nhanh để sớm báo cáo với Thủ tướng, sao để nâng công suất phục vụ lên khoảng 40-50 triệu khách.

Phương án đề ra là phải mở rộng diện tích, tăng chỗ đỗ, làm thêm một đường bay, một nhà ga. Tăng cường điều tiết, quản lý không lưu tại Tân Sơn Nhât. Việc này có thể làm được, huy động các nhà đầu tư tham gia mà không cần dùng vốn ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết.

Cùng với đó, ông Dũng nhấn mạnh việc tính toán đến hệ thống giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP.HCM và hoàn thành báo cáo khả thi để đẩy tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, báo cáo Quốc hội vào năm 2019.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc Nam, báo cáo tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 5/2017), chủ động các phương án để khi Quốc hội thông qua có thể thực hiện luôn, nếu không đến năm 2020 không đạt được mục tiêu kết nối được tuyến cao tốc Bắc Nam.

Theo dự kiến, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cần một cơ chế đặc thù đi cùng.

Ngoài phát triển hàng không, đường bộ, Phó Thủ tướng lưu ý rà soát kỹ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có để nâng tốc độ chạy tàu lên như nghị quyết của TƯ và chiến lược phát triển của đường sắt Việt Nam. Công việc này nằm trong kế hoạch triển khai đến năm 2030, cải tạo tuyến đường sắt hiện có song song với việc làm đường sắt tốc độ cao.

Phó Thủ tướng cho biết, vốn đầu tư cho việc này cần khoảng 1,7 tỷ USD, nguồn cân đối rất khó. Vì vậy, giai đoạn trước mắt, ông Dũng kiến nghị Thủ tướng cho rà soát lại, giảm bớt vốn đầu tư của các công trình trọng điểm khác để tập trung cho dự án lớn, mang lại hiệu quả lan tỏa cao.

Mục tiêu đề ra là hoàn thành báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam để đến 2018 có thể báo cáo Quốc hội, năm 2022 có thể thực hiện 1 số đoạn ưu tiên như tuyến Hà Nội - Vinh, TP.HCM – Nha Trang.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn