Bộ Nội vụ Anh cho hay 97 người đã bị bắt giữ trong một cuộc truy quét nhằm vào 280 tiệm làm móng (nail) bị tình nghi sử dụng lao động ngoài EU bất hợp pháp.
Theo Reuters, đa số người bị bắt giữ là người Việt Nam. Số khác đến từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ. Hơn 10 người trong số đó được cho là bị các nhóm buôn người đưa đến những cơ sở này.
Một loạt các sự vụ gần đây cho thấy nhiều băng nhóm tội phạm người Việt dựng lên các tiệm nail để làm "lá chắn" hợp pháp cho các hoạt động vi phạm pháp luật bao gồm mại dâm và trồng cần sa.
Gần 100 người bị bắt trong chiến dịch truy quét tiệm nail tại Anh, đa số là người Việt. |
Cuộc truy quét được thực hiện trong phạm vi chiến dịch Magnify với sự phối hợp của nhiều Bộ thuộc chính phủ Anh nhằm xử lý vấn nạn sử dụng lao động bất hợp pháp ở Anh. Chiến dịch kéo dài một tuần vừa kết thúc hồi đầu tháng 12.
"Chiến dịch này gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến những chủ sử dụng lao động tìm cách bóc lột những người dễ tổn thương và cố tình vi phạm pháp luật nhập cư", Bộ trưởng Di trú Robert Goodwill nói. "Các hình thức bóc lột kiểu mới là tội ác man rợ hủy hoại cuộc đời của nhiều người thuộc các nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội chúng ta".
Các công trường xây dựng, các cơ sở đầu mối cung cấp lao động giúp việc tại các hộ gia đình, vận chuyển, dọn dẹp đều là những địa điểm thuộc diện kiểm tra. Tổng cộng 68 cơ sở kinh doanh đối mặt án phạt 20.000 bảng Anh (hơn 24.000 USD) cho mỗi lao động bất hợp pháp mà họ sử dụng.
Bộ Nội vụ Anh cho hay những người được xác nhận là nạn nhân của buôn người và bị bóc lột lao động sẽ nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, những người không có giấy phép ở lại Anh sẽ bị trục xuất.
Theo một báo cáo được công bố năm 2013 của Trung tâm Phòng chống nạn buôn người Anh, khoảng 90% nạn nhân bị bán sang Anh để trồng cần sa là công dân Việt Nam. Trước đó, nhiều người được hứa hẹn về công việc trong tiệm nail.
Trong 5 năm từ 2009 đến 2013, hơn 90 tiệm nail ở Anh và xứ Wales do người Việt làm chủ bị phạt tổng cộng 700.000 bảng Anh vì thuê người nhập cư trái phép làm việc.
Theo Zing