|
Củ khoai tại gia đình ông Bắc phải mất 2-3 người khênh. |
Ngày 9/1, ông Nguyễn Như Bắc (52 tuổi, xã Thạch Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, vợ chồng ông vừa đào được củ khoai vạc (còn gọi là khoai mỡ) nặng 73kg.
4 ngày trước, ông cùng vợ mang cuốc ra vườn nhà để bới một gốc khoai vạc. Dù củ khoai trồi lên khỏi mặt đất nhưng khi đào sâu tới nửa mét vẫn chưa hết thân củ nên họ phải gọi thêm người hỗ trợ.
"4 người thay nhau đào gần 2 giờ mới khiêng được củ khoai khỏi hố đất sâu gần một mét. Đặt khoai đặt lên bàn cân, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nó nặng tới 73kg", ông Bắc kể và cho biết vài ngày nay nhiều người hiếu kỳ tìm tới tận nhà để xem củ khoai.
|
Ông Bắc sẽ chia củ khoai ra nhỏ để biếu cho bà con láng giềng. |
Theo ông Bắc, gốc khoai vạc trên được gia đình trồng từ tháng 3/2015. Đây là loại khoai có ruột màu trắng, thông thường cứ sau một năm trồng thì bới lên, nhưng năm ngoái ông để sót gốc khoai này.
Khoai vạc giá bán khoảng 20.000 đồng/kg. Ông Bắc cho biết sẽ không bán mà xẻ nhỏ biếu hàng xóm trong dịp Tết.
Ở Việt Nam, khoai vạc được trồng nhiều ở nông thôn để lấy củ ăn. Có hai loại: ruột trắng và ruột tím. Loại ruột trắng có giống Mộng Linh, củ chùm, nặng 4-5kg/củ, năng suất cao. Loại ruột tím lại chia ra giống tím than và tím bông lau, loại này củ suôn, dài, tuy củ nhỏ hơn loại ruột trắng nhưng ăn ngon, khi chế biến thành món ăn màu sắc cũng đẹp hơn nên được thị trường ưa chuộng. |
Theo VNE